Thị trường hàng hóa
Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Nhóm nghiên cứu của các Hội, Hiệp hội ngành gỗ gồm VIFOREST, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends vừa công bố cho thấy, có 45 trong tổng số 52 doanh nghiệp ngành gỗ tham gia khảo sát xuất khẩu đồ gỗ sang Hoa Kỳ. Đây cũng là thị trường có sự biến động lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Kết quả khảo sát từ các doanh nghiệp trực tiếp tham gia thị trường Hoa Kỳ cho thấy trong những tháng đầu năm 2022 cho hay, có 33 doanh nghiệp có doanh thu từ thị trường này giảm trung bình 39,6% trong những tháng đầu năm. Biên độ giảm rộng, doanh nghiệp có mức giảm ít nhất là 8% trong khi có doanh nghiệp có mức giảm cao nhất tới 80% doanh thu; 10 doanh nghiệp có doanh thu tăng trong những tháng đầu năm 2022. Mức tăng trung bình là 11%;
Có 39 trong số 52 doanh nghiệp được phỏng vấn có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU. Trong những tháng đầu năm 2022 doanh thu xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp này bị ảnh hưởng đáng kể. Cụ thể, 24 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm trong những tháng đầu năm với mức giảm trung bình khoảng 42,2%. Trong đó, có một số doanh nghiệp mất hẳn nguồn thu từ thị trường này trong những tháng gần đây; 4 doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu sang thị trường EU tăng nhẹ với mức trung bình 14%;
Trong số 52 doanh nghiệp được khảo sát có 26 doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu sang thị trường Anh. Trong những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này cũng gặp khó khăn. Cụ thể, trong 26 doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Anh nói trên có 17 doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu xuất khẩu sang Anh với mức giảm trung bình 42,8%.
Ngoài các thị trường Hoa Kỳ, Anh, EU, có 28 trong số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xuất khẩu đồ gỗ sang các thị trường khác như Nhật, Singapore, Australia, Canada, Hàn Quốc, NewZeland, Trung Quốc,… Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình xuất khẩu tại các thị trường cũng có diễn biến tương tự tại các thị trường xuất khẩu chính. Tuy nhiên, mức độ suy giảm thấp.
Trong số 52 doanh nghiệp tham gia khảo sát có tới hơn 80% doanh nghiệp dự báo mức doanh thu năm 2022 của họ sẽ sụt giảm so với năm 2021. Cụ thể, 19 doanh nghiệp dự báo có mức doanh thu giảm dưới 30%; 13 doanh nghiệp dự báo giảm từ 30 – 50% và 10 doanh nghiệp dự báo giảm trên 50%. Chỉ có 3 doanh nghiệp dự báo doanh thu của họ sẽ tăng trong năm 2022 so với năm 2021 với mức tăng từ 10-20%. Còn lại 7 doanh nghiệp dự báo doanh thu trong năm 2022 không đổi so với năm 2021.
Do xuất khẩu gặp nhiều trở ngại trong những tháng đầu năm 2022, lượng hàng tồn kho của đa số các doanh nghiệp được phỏng vấn (khoảng 60%) tăng so với cùng kỳ 2021. Cụ thể, trong số 52 doanh nghiệp này có tới 31 doanh nghiệp phản ánh lượng hàng tồn kho tăng với mức trung bình trên 42%; 11 doanh nghiệp có lượng hàng tồn giảm trung bình 32,3%, và 7 doanh nghiệp có lượng hàng tồn không thay đổi so với năm trước đó.
Trên 90% số doanh nghiệp được hỏi cho biết số lượng đơn hàng của họ đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021, trung bình ở mức 44,4%. Trong khi đó, chỉ có 3 doanh nghiệp, tương đương 6% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát có lượng đơn hàng tăng với mức khiêm tốn, trung bình 18,3%.
Đáng chú ý, tại thị trường Hoa Kỳ, số lượng đơn hàng của các doanh nghiệp được khảo sát giảm trung bình 45,4%. Một số doanh nghiệp không còn đơn hàng. Tại thị trường EU, các doanh nghiệp đã phản ánh mức giảm trung bình khoảng 44,6%, trong đó một doanh nghiệp có số đơn hàng giảm mạnh từ 80 – 100%. Thị trường Anh cũng chứng kiến mức giảm rất mạnh, trung bình 47,3% với một số doanh nghiệp giảm 100%. Số lượng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khác cũng có mức giảm cao, trung bình khoảng 36,3%; một số doanh nghiệp bị giảm đến 80%.
Nhận định về tình trạng đơn hàng tới cuối năm 2022, 37 doanh nghiệp, tương đương trên 70% số doanh nghiệp được khảo sát, cho biết dự kiến số lượng đơn hàng của họ sẽ giảm so với năm 2021. Chỉ có 4 doanh nghiệp kỳ vọng số đơn hàng sẽ tăng và 11 doanh nghiệp cho rằng số đơn hàng của mình sẽ không biến động nhiều.
Các doanh nghiệp đều dự kiến tình hình xuất khẩu sẽ chưa cải thiện nhiều và số lượng đơn hàng sang tất cả các thị trường vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm 2022. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Hoa Kỳ, EU và Anh được dự báo đều trên 40%, trong khi tình hình xuất khẩu tại các thị trường khác có mức giảm thấp hơn.
Trước tình hình biến động mạnh tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ chốt nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với rất nhiều sức ép, đặc biệt là vốn vay ngân hàng, chi trả người lao động và nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, gần 60% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải chịu sức ép về vốn vay ngân hàng. Khoảng 70% số doanh nghiệp được phỏng vấn nêu ra các áp lực về chi phí cho người lao động và nguyên liệu đầu vào.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn gặp phải các khó khăn như: Khách hàng cắt giảm đơn hàng khi giá cước vận tải tăng cao và xung đột Nga - Ukraina khiến đầu ra giảm; khách hàng hủy ngang các đơn hàng đã đặt, cũng như các đơn hàng đang sản xuất dở dang; chi phí thuê đất phải trả; dòng tiền có thể bị gián đoạn;…
Trước tình hình này, để duy trì sản xuất và tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp đã phải vận dụng nhiều giải pháp khác nhau để khắc phục tình trạng khó khăn. Theo đó, hơn 70% lựa chọn giảm quy mô sản xuất để cắt giảm chi phí. Một số ít doanh nghiệp đã tìm cách dịch chuyển theo hướng đa dạng hóa thị trường và sản phẩm. Họ lựa chọn giảm giá sản phẩm để kích cầu, mở rộng thị trường khách hàng khu vực EU, Australia, tập trung vào các sản phẩm mang tính giá trị cao hoặc có tính đặc thù để giảm cạnh tranh và chịu ít bị biến động của các diễn biến trên thị trường thế giới hơn.
Tuy nhiên các biện pháp này chỉ có khả năng khắc phục tình hình trong ngắn hạn. Trong số 52 doanh nghiệp được hỏi, hơn 60% cho biết chỉ có khả năng cầm cự được tối đa 6 tháng. Ngược lại, chỉ có gần 1/4 số doanh nghiệp tham gia khảo sát có khả năng tiếp tục duy trì sản xuất trên 12 tháng.
Trước những khó khăn mà ngành chế biến và xuất khẩu gỗ đang gặp phải, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ thúc đẩy các ngân hàng cho phép giãn nợ, giảm lãi suất, gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Đối với các chính sách thuế, phí, các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ cho phép giảm, chậm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăn nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp và giảm chi phí xuất nhập khẩu container cảng biển
Nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ đưa ra các biện pháp kịp thời để bình ổn giá cả, giảm thanh, kiểm tra, hỗ trợ công nhân đóng bảo hiểm xã hội, gia hạn thời gian đóng bảo hiểm xã hội và thiết kế các gói cứu trợ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt và ổn định sản xuất trong dài hạn….
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm