Thị trường hàng hóa
Trong phiên giao dịch ngày 7/10, giá cổ phiếu BBT của Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết đã tăng kịch biên độ ngay từ đầu giờ giao dịch và duy trì cho đến hết phiên, đạt 15.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu BBT đã có chuỗi 3 phiên liên tiếp tăng trần.
Tính từ phiên giao dịch 6/9 đến nay, thị giá cổ phiếu BBT đã tăng tới 95%, từ 7.900 đồng/cổ phiếu lên 15.400 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng có sự cải thiện, tuy nhiên chỉ tăng mạnh từ phiên giao dịch 27/9 đến nay.
Về hoạt động kinh doanh, cho đến nay, Bông Bạch Tuyết vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý 1 và quý 2/2024. Do đó, kết quả kinh doanh được ghi nhận gần đây nhất là từ năm 2023.
Trong năm 2023, doanh thu thuần của Bông Bạch Tuyết đạt 152,5 tỷ đồng, đi ngang so với kết quả đạt được trong năm 2022 và lợi nhuận sau thuế đạt gần 7 tỷ đồng, tăng mạnh do với mức 1,4 tỷ đồng của năm trước. Tính đến cuối năm 2023, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Bông Bạch Tuyết là 400 triệu đồng, giúp công ty thoát khỏi tình trạng lỗ lũy kế.
Bên cạnh câu chuyện dần thoát khỏi tình trạng thua lỗ, sức hút cổ phiếu Bông Bạch Tuyết còn đến từ việc doanh nghiệp này đang ghi nhận sự thành công từ việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là TikTok, để tiếp thị sản phẩm chủ lực bông tẩy trang đến tệp khách hàng trẻ.
Theo chia sẻ ban lãnh đạo Bông Bạch Tuyết, tính riêng mùa siêu mua sắm trong tháng 12/2023, công ty đã tiêu thụ được hơn 10.000 sản phẩm bông tẩy trang, giúp doanh thu tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thương hiệu Bông Bạch Tuyết cũng dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Sản phẩm bông tẩy trang của công ty đạt top 2 trong danh mục bông tẩy trang trên TikTok Shop từ tháng 2 - tháng 8/2024.
Bằng việc xác định rõ tệp khách hàng mục tiêu chính là giới trẻ, công ty đã có những chiến dịch truyền thông sáng tạo qua các kênh hiện đại, thay cho kênh truyền thống như trước. Từ đó, giúp các sản phẩm của công ty có độ nhận diện cao hơn, thu hút được nhiều khách hàng.
Đồng thời, công ty đã thay đổi cơ cấu sản phẩm. Thay vì tập trung sản xuất dòng sản phẩm chủ lực là bông và gạc y tế thì Bông Bạch Tuyết đã mở rộng sang các loại sản phẩm dân sinh thiết yếu như khẩu trang, tăm bông, bông tẩy trang.
Đây được xem là bước ngoặt trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết sau giai đoạn sa sút kéo dài trước đây.
Bông Bạch tuyết tiền thân là Nhà máy Cobovina Bạch Tuyết, được thành lập từ năm 1960, chuyên sản xuất các loại bông y tế và băng vệ sinh. Sau nhiều năm hoạt động, Bông Bạch Tuyết được cổ phần hóa vào năm 1997, tuy nhiên Nhà nước vẫn nắm giữ tới 30% vốn điều lệ. Đây cũng là thời điểm công ty được đổi tên thành Công ty Cổ phần Bông Bạch Tuyết.
Kể từ khi được cổ phần hóa, hoạt động kinh doanh của Bông Bạch Tuyết có sự cải thiện mạnh mẽ khi sản phẩm bông y tế của công ty chiếm tới 90% thị phần cả nước và băng vệ sinh phụ nữ chiếm 30% thị phần cả nước.
Năm 2004, 6,84 triệu cổ phiếu BBT của công ty chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE).
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm lên sàn, cổ phiếu BBT của Bông Bạch tuyết đã phải hủy niêm yết vì liên tục gặp phải khó khăn như kinh doanh thua lỗ, chi phí đầu vào tăng mạnh, cạnh tranh với các đối thủ lớn trên thị trường như Kotex, Diana...
Xem thêm: "Tìm ra chiến lược tăng trưởng, lãi ròng của Bách Hoá Xanh có thể tăng gấp 7 lần vào năm sau" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Riêng giai đoạn 2007 - 2009, Bông Bạch Tuyết gặp phải khủng hoảng tài chính khi liên tục phải chịu gánh nặng hàng tồn kho. Đồng thời, do sử dụng đòn bẩy tài chính không hợp lý và tốc độ luân chuyển hàng tồn kho chậm nên công ty bị thiếu hụt vốn lưu động. Với những khó khăn này, công ty đã phải ngừng sản xuất các loại sản phẩm.
Sau một khoảng thời gian được tái cấu trúc, hoạt động sản xuất kinh doanh của Bông Bạch Tuyết dần khởi sắc, cổ phiếu BBT quay trở lại giao dịch trên sàn UPCoM từ năm 2018.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của Bông Bạch Tuyết tính đến ngày 31/12/2023 đạt 295 tỷ đồng, giảm 7,5% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 160,5 tỷ đồng, tăng 5%; hàng tồn kho tăng 20%, đạt 42 tỷ đồng.
Ở phía đối ứng, nợ phải trả của Bông Bạch Tuyết tại thời điểm cuối năm 2023 đạt 162 tỷ đồng, cao hơn tới 22% so với vốn chủ sở hữu và giảm 16% so với đầu năm. Trong đó, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn, đạt 73,2 tỷ đồng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm