Thị trường hàng hóa
Trong bối cảnh khôi phục và phát triển kinh tế hậu đại dịch Covid-19, việc có những giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất sau thời gian dài bị đình trệ là động lực để doanh nghiệp tiếp đà khôi phục và phát triển.
Thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kết hợp giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách hỗ trợ ngành, lĩnh vực hoặc an sinh xã hội khác. Việc thực hiện hài hòa và đồng bộ các giải pháp này giúp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục phát triển cho doanh nghiệp, góp phần cho tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi hàng hóa tiêu thụ khá chậm. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp do tình hình địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng, tình trạng lạm phát khiến chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh, thiếu hụt lao động…. Do vậy, để giúp doanh nghiệp phục hồi cần có thêm giải pháp kích cầu để kích thích tiêu dùng.
Trên thực tế, nhìn vào các nền kinh tế lớn trên thế giới, điển hình như Mỹ khi có các cuộc khủng hoảng, nền kinh tế bị suy giảm quốc gia này đã có nhiều chính sách cũng như các gói kích cầu để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Dẫn ví dụ cụ thể, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, năm 2010 khi nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng, chính phủ nước này đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô, vì đây là ngành tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Trong 2 năm 2020 và 2021, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 nền kinh tế bị đóng băng, Chính phủ Mỹ cũng tạo dòng tiền cho người tiêu dùng thông qua các gói kích thích kinh tế.
Tại Việt Nam, Nhà nước cũng đã có nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ đồng là chính sách miễn giảm thuế, phí, hỗ trợ lãi suất với gần 50 nghìn tỷ đồng được hỗ trợ thông qua giảm 2% thuế VAT; gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho việc cấp bù lãi suất cho vay 2%/năm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh; gói hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà…Tuy nhiên, trên thực tế các gói hỗ trợ không giải ngân được nhiều.
Do đó, để có thể phục hồi được hoạt động sản xuất kinh doanh tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, trước hết cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng để tạo dòng tiền, khi người dân có dòng tiền sẽ kích thích hoạt động mua sắm, tiêu thụ hàng hóa. Doanh nghiệp có bán được hàng mới có tiền quay vòng sản xuất, chi trả lương cho người lao động, đảm bảo thu nhập cho nhiều hộ gia đình và từ đó tác động trở lại đến tiêu dùng trong nước, giúp kinh tế hồi phục.
“Vòng xoáy tiêu dùng <-> sản xuất <-> việc làm phải được vận hành liên tục. Đây là sự hỗ trợ công bằng và tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Do đó, nên ưu tiên những ngành tạo nhiều việc làm”, Chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Thứ 2, khi doanh nghiệp tái khởi động sản xuất sau dịch, doanh nghiệp sẽ phải bù lỗ một thời gian để đạt được điểm hòa vốn. Vì vậy, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần hỗ trợ về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, nhiều ngân hàng thương mại đang giảm nguồn vốn vay cho sản xuất. Do đó, nguồn vốn cho các gói hỗ trợ cần được phân bổ hợp lý, ưu tiên cho các ngành hàng sử dụng lao động đông để đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng nội địa.
Ngoài ra, để kích cầu tiêu dùng có thể sử dụng phương thức cho vay tiêu dùng với lãi suất thấp để có dòng tiền mua sắm hàng hóa thiết yếu. “Chúng ta sẽ không đưa tiền trực tiếp cho người dân mà hỗ trợ giảm lãi suất khi mua sắm hàng hóa tiêu dùng”, ông Đinh Thế Hiển chia sẻ.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, hầu hết các công ty đều cần nguồn vốn, nhưng hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong tiếp cận vốn. Trong giai đoạn năm 2020, 2021 rất nhiều doanh nghiệp sản xuất chuyển sang đầu tư bất động sản. Vì vậy dòng tiền vay hỗ trợ sản xuất không đưa vào sản xuất mà chuyển sang đầu tư bất động sản. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần giám sát dòng tiền.
Về phía Bộ Công Thương, ông Đinh Thế Hiển cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính để xây dựng chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. "Bộ Công Thương là đơn vị quản lý và theo sát hoạt động của doanh nghiệp, nên phải trực tiếp xây dựng chính sách về nguồn vốn cho doanh nghiệp sản xuất. Doanh nghiệp sản xuất phát triển thì toàn nền kinh tế mới phát triển", ông Đinh Thế Hiển bày tỏ.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm