Thị trường hàng hóa
Hệ thống KRX dự kiến sẽ "go-live" vào ngày 11/12/2023 với các tính năng cơ bản.
Ngày 21/8 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE), đã diễn ra cuộc họp giữa các thành viên thị trường chứng khoán Việt Nam về kế hoạch triển khai dự án công nghệ thông tin KRX.
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện HoSE cho biết, về kết quả kiểm thử, kết quả tại HoSE cho thấy mới chỉ có 25/76 công ty chứng khoán đã hoàn thành 100% các kịch bản kiểm thử của hệ thống KRX, 36/76 công ty đã thực hiện trên 80%, và 15/76 công ty đạt dưới 80% các kịch bản kiểm thử.
Hệ thống KRX là hệ thống công nghệ thông tin quản lý và điều hành giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam, được HoSE ký kết với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc (KRX) vào năm 2012.
Theo kế hoạch, phía Việt Nam sẽ tổ chức kiểm thử cuối cùng (FAT) đối với hệ thống KRX trong tháng 11/2023 và dự kiến hệ thống này sẽ hoàn thành công tác chuẩn bị hệ thống để “go-live” vào ngày 11/12/2023, sau đó sẽ chính thức vận hành vào cuối năm 2023.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), HoSE và Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) cho biết, đối với các thành viên thị trường chưa sẵn sàng kịp tiến độ, sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền để có biện pháp nhằm hoàn thành dự án theo mục tiêu chung.
Hệ thống KRX sẽ đem lại lợi ích gì cho thị trường và nhà đầu tư?
Đáng chú ý, theo chia sẻ của lãnh đạo HoSE, dự kiến các tính năng mới của hệ thống KRX sẽ chưa được triển khai đầy đủ ngay lập tức vào cuối năm nay, hệ thống này sẽ vận hành với các tính năng cơ bản và các tính năng mới sẽ được triển khai từng bước theo lộ trình.
Khi hệ thống KRX đi vào vận hành đầy đủ, dự kiến sẽ có một số thay đổi lớn như sau:
Thứ nhất, giao dịch trong ngày (T+0): Cho phép nhà đầu tư mua và bán cổ phiếu liên tục ngay trong ngày trên thị trường chứng khoán cơ sở. Đây là hoạt động hiện chỉ xuất hiện trên thị trường chứng khoán phái sinh. Nghiệp vụ này dự kiến sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam cải thiện về thanh khoản.
Theo một số chuyên gia chứng khoán và đại diện các công ty chứng khoán, giao dịch T+0 sẽ giúp kéo một lượng tiền lớn từ thị trường chứng khoán phái sinh quay trở lại thị trường chứng khoán cơ sở.
Thứ hai, nghiệp vụ bán khống (short-selling): Cho phép nhà đầu tư vay mượn cổ phiếu và thực thi bán khống nhằm bảo vệ danh mục hoặc tìm kiếm lợi nhuận khi cổ phiếu có định giá quá cao. Bán khống được đánh giá là một phần không thể thiếu giúp tăng thanh khoản và tính ổn định nói chung của các thị trường chứng khoán phát triển. Dự kiến đây sẽ là nghiệp vụ được rất nhiều nhà đầu tư trong nước chờ đợi.
Thứ ba, phân tán rủi ro: Hiện tại sản phẩm phái sinh với khả năng giao dịch T+0 mới chỉ có Hợp đồng tương lai của chỉ số VN30, khi dòng tiền tập trung 1 sản phẩm phái sinh như vậy rõ ràng sẽ khiến rủi ro biến động ở sản phẩm này trở nên rất lớn. Do đó khi có thêm nhiều sản phẩm, cộng với thị trường cơ sở cũng được giao dịch T+0 sẽ giúp dòng tiền đầu cơ có nhiều sự lựa chọn hơn, hạn chế tập trung rủi ro cùng một chỗ, khiến thị trường bị “méo mó”.
Thứ tư, tăng thanh khoản cho thị trường: Các nghiệp vụ T+0, ký quỹ, bán khống… và sự xuất hiện thêm nhiều sản phẩm chứng khoán để phù hợp với khẩu vị của nhiều nhà đầu tư sẽ giúp thanh khoản toàn thị trường tăng lên, phản ánh rõ ràng hơn các biến động kinh tế.
Bên cạnh đó, việc triển khai hệ thống KRX sẽ còn giúp rút ngắn thời gian thanh toán, triển khai thêm các hợp đồng quyền chọn (option contract)… Đáng chú ý, việc triển khai hệ thống KRX có thể thúc đẩy giao dịch thuật toán - sử dụng chương trình máy tính để thực hiện giao dịch hoàn toàn tự động theo thuật toán giao dịch được lập trình sẵn, như: lướt sóng siêu ngắn (Scalping), giao dịch theo cặp (Pair trading) hay giao dịch lưới (Grid).
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia chứng khoán, việc triển khai hệ thống KRX tạo tiền đề giải quyết các nút thắt hiện nay của thị trường chứng khoán Việt Nam, để tiến tới được nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi.
Theo nghiên cứu của Học viện CFA, khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số MSCI của thị trường đó (trong trường hợp này là MSCI Vietnam Index) sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực. Chi số MSCI Vietnam Index là chỉ số mô tả diễn biến cổ phiếu của các doanh nghiệp có giá trị vốn hoá thị trường lớn và vừa, đại diện cho 85% vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam.
Việc nâng hạng thị trường sẽ giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua đó thu hút được dòng vốn quốc tế. Dự báo, sẽ có khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD được đổ vào để mua mới cổ phiếu Việt Nam khi thị trường chứng khoán được nâng hạng. Dòng vốn này được kỳ vọng sẽ giúp tăng lực cầu đối với nhiều mã cổ phiếu, kéo theo đó là giá cổ phiếu có thể tăng lên.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm