Thị trường hàng hóa
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa là điểm sáng nổi bật trong hai tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 113,96 tỷ USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19,2%, nhập khẩu tăng 18% và cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 4,72 tỷ USD.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 24,8 tỷ USD, giảm 28,1% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2024 giảm 5%.
Tuy nhiên, tính chung hai tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,3 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 16,14 tỷ USD, tăng 33,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 43,2 tỷ USD, tăng 14,7%, chiếm 72,8%.
Với việc xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng ấn tượng, gấp hơn 2 lần so với mức tăng của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (33,3% so với 14,7%) cho thấy những nỗ lực của khu vực kinh tế trong nước trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng hơn 33% trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm 2024 có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD, chiếm 52,5%.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, đồng đều cả ở nhóm nông lâm thủy sản (tăng 38,8%) và nhóm công nghiệp chế biến (tăng 18,3%).
Hầu hết các mặt hàng đều ghi nhận mức tăng trưởng, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng tới 43,8%; sắt thép tăng 45,4%; giầy dép tăng 18,3%…
Xuất khẩu tới các thị trường lớn phục hồi tốt và đạt mức tăng cao. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ước đạt 17,4 tỷ USD, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Nhật Bản ước tăng 19,6%, EU 14,2%, Trung Quốc 7,7%...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sự khởi đầu thuận lợi trong hai tháng đầu năm với việc các đơn hàng gia tăng, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp tiến độ xuất khẩu đã mở ra tín hiệu tích cực và mang tới kỳ vọng cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong năm 2024.
Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 2/2024 ước đạt 23,7 tỷ USD, giảm 23,2% so với tháng trước. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 54,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 19,67 tỷ USD, tăng 27,4%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 34,95 tỷ USD, tăng 13,3%.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,9 tỷ USD trong hai tháng đầu năm 2024, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.
Với số liệu xuất liệu và nhập khẩu trên, tính chung 2 tháng đầu năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 3,53 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 8,25 tỷ USD.
Đề xuất giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho rằng, cần theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp để phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Phối hợp với Bộ NN&PTNT điều hành xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời khai thác tối đa cơ hội thị trường, hài hòa lợi ích người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu.
Khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.
Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, ứng phó hiệu quả với những rào cản kỹ thuật, các vụ kiện phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu. Đồng thời, cần đẩy mạnh xuất khẩu qua các nền tảng số.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm