Thị trường hàng hóa
“10 tỷ chuyến xe chứng minh rằng chúng tôi đã cùng nhau đi một chặng đường dài đáng kinh ngạc. Grab vận chuyển các bữa ăn, hàng tạp hóa và đưa, đón hành khách đến mọi địa điểm. Quãng đường 60 tỷ km chúng tôi đã đi tương đương với việc thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới tới 933 lần”, đại diện của Grab tuyên bố trước truyền thông ngày 8/8.
Trong thông báo gửi đến giới truyền thông, công ty cũng chia sẻ rằng đại dịch Covid-19 đã dẫn đến một số thay đổi về thói quen khách hàng. Theo đó, các đơn đặt hàng thực phẩm và dịch vụ GrabMart tăng theo cấp số nhân.
“Đại dịch khiến một trong những dịch vụ mới của chúng tôi bị cháy hàng. Khi chúng tôi triển khai GrabMart trên toàn khu vực Đông Nam Á vào năm 2020, doanh thu đã tăng theo cấp số nhân, đặc biệt là khi các thành phố đóng cửa và mọi người không thể ra đường”, phía Grab cho hay.
Vào thời điểm các nền kinh tế xung quanh khu vực bắt đầu mở cửa, Grab cho biết mô hình siêu thị từ xa của họ đã chứng kiến số chuyến xe giao hàng thực phẩm tăng lên. “Thái Lan đánh dấu mức tăng cao nhất về số chuyến giao hàng, tăng gấp ba lần từ khi đại dịch bùng phát cho đến thời điểm hiện tại”, đại diện Grab nhận định.
Theo báo cáo thu nhập tháng 5/2022, Grab đã chia sẻ rằng người dùng giao dịch hàng tháng (MTU) đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi tiêu trung bình cho mỗi người dùng (GMV/MTU) tăng 19%.
Công ty cũng đang theo dõi chặt chẽ tác động của lạm phát nhiên liệu đối với thu nhập của các tài xế và sẽ tiếp tục tìm cách hỗ trợ tài xế trong việc giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát. Grab Malaysia đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người dùng vì thiếu tài xế và giá cước tăng cao trong những tháng gần đây. Tại Malaysia, với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, Grab buộc phải đi tới quyết định tăng giá cước.
Nhìn sang Việt Nam, từ 6/7, Grab áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng tại các địa phương với mức 5.000 đồng mỗi chuyến GrabBike, đơn hàng GrabFood, GrabMart và 3.000 đồng với dịch vụ GrabExpress. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.
Còn ở Singapore, Grab Singapore thông báo thay đổi chính sách áp dụng phí thời gian chờ. Cụ thể, theo thông báo gửi khách hàng và tài xế, từ ngày 18/7, người dùng sẽ phải trả phí nếu bắt tài xế chờ quá 3 phút thay vì 5 phút như trước.
Theo đó, mức phí khách hàng phải chịu là 3 SGD cho mỗi 5 phút tài xế phải đợi. Chính sách áp dụng cho các dịch vụ JustGrab, GrabCar, GrabCar Plus, GrabCar Premium, GrabPet và GrabFamily tại “đảo quốc sư tử”.
Grab, siêu ứng dụng gọi xe và giao đồ ăn ở Đông Nam Á, đã liên tục phát triển trong 10 năm qua. Từ đó đến nay, Grab đã vươn lên trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong khu vực và là nền tảng đặt xe lớn thứ ba trên thế giới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm