Thị trường hàng hóa
Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 - 420 triệu USD từ sản phẩm surimi (hay còn gọi là thanh cua với nguyên liệu chính là thịt cá xay) xuất khẩu chiếm 4 - 5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Với bột cá, Việt Nam mỗi năm sản xuất 530.000 - 540.000tấn, trong đó xuất khẩu 200.000 - 280.000 tấn, kim ngạch xấp xỉ 200 triệu USD.
Tại hội nghị về ngành surimi và bột cá, đồng thời ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Surimi và Bột cá ngày 22/12 tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, surimi và bột cá là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản. Nhóm ngành này không chỉ tạo công ăn việc làm cho nông, ngư dân và người dân tại các địa phương, mà còn đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản và chăn nuôi nói chung.
Ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến nhờ hiệu quả về mặt chi phí, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp.
Ngành surimia và bột cá có dư địa lớn để phát triển nhưng còn nhiều điểm nghẽn.
Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước cũng như xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.
So với cùng kỳ, các thị trường xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam ngày càng được mở rộng hơn. Hiện các sản phẩm chả cá và surimi đã xuất được sang hơn 40 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn không đủ bù đắp cho lượng sụt giảm tại các thị trường chính.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm là thị trường lạm phát và kinh tế khó khăn còn về lâu dài, ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp.
“Có thể nói, nhóm ngành surimi và bột cá đang có vị trí quan trọng trong ngành thủy sản. Dư địa phát triển của nhóm ngành còn lớn nhưng đang ngày càng phải đáp ứng nhiều hơn các yêu cầu đặc thù liên quan đến môi trường, kiểm soát IUU, chứng nhận bền vững để duy trì vị trí quan trọng của nhóm ngành trong kinh tế tuần hoàn của ngành thủy sản”, ông Hoè chia sẻ.
Hiện Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi. Theo ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và địa phương, vấn đề lớn nhất của ngành chế biến surimi và bột cá là quy trình bảo quản cá đánh bắt, nước thải môi trường và nguồn nhân công tay nghề cao. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì ngành surimi và bột cá sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ tỉ USD trong tương lai gần.
Việc VASEP thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Doanh nghiệp Surimi và Bột cá VASEP xuất phát từ thực tế là xu hướng gia tăng số lượng và hoạt động đóng góp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu surimi và bột cá trong ngành thủy sản Việt Nam. Đây cũng là xu hướng phát triển chung của ngành thủy sản thế giới.
Việc thành lập Câu lạc bộ Doanh nghiệp Surimi và Bột cá VASEP là một bộ phận hoạt động của Ủy ban Hải sản VASEP nhằm mục đích phối hợp, liên kết hoạt động, giúp nhau nâng cao giá trị, chất lượng của sản phẩm surimi, bột cá của Việt Nam. Đồng thời hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi trong tổ chức thực hiện các vấn đề về nguyên liệu, chất lượng, môi trường, thị trường, rào cản và chính sách.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm