Thị trường hàng hóa
Sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 được công bố thấp hơn so với dự báo, chứng khoán Mỹ đã tăng tới 7%. Điều này đã giúp giá trị khối tài sản ròng của giới tỷ phú công nghệ Mỹ tăng vọt với số tiền kỷ lục trong một ngày, mang lại thông tin tích cực cho những người giàu nhất thế giới sau một năm biến động của các cổ phiếu công nghệ.
Theo đó, 32 tỷ phú công nghệ đã “bỏ túi” thêm 59 tỷ USD vào giá trị tài sản ròng của họ trong một ngày. Ông Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon là người có giá trị tài sản ròng tăng nhiều nhất trong vòng một ngày khi tài sản của ông tăng 10,5 tỷ USD lên 119,6 tỷ USD.
Người kế nhiệm của ông tại Amazon (NASDAQ:AMZN).con Onc., Andy Jassy, đang tìm cách cắt giảm chi phí đã giúp giá cổ phiếu của sàn thương mại điện tử này tăng 12%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 02/2022. Tuy nhiên, tài sản ròng của ông Bezos vẫn giảm gần 73 tỷ USD kể từ đầu năm 2022 đến nay.
Hiện, khoảng 80% giá trị khối tài sản ròng của Jeff Bezos là từ cổ phần ông đang nắm giữ tại Amazon. Với khối tài sản ròng đạt 120 tỷ USD cựu CEO Amazon đang là người giàu thứ 4 thế giới.
Tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk là người có tài sản tăng nhiều thứ hai với 9,6 tỷ USD, qua đó nâng giá trị khối tài sản ròng mà ông sở hữu lên 184 tỷ USD. Vào tháng 9/2021, giá cổ phiếu Tesla tăng vọt đã giúp tỷ phú người Nam Phi Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới.
Thời điểm đó, ông là người người thứ ba, sau Jeff Bezos và ông chủ đế chế xa xỉ LVMH Bernard Arnault trở thành tỷ phú sở hữu khối tài sản ròng trị giá từ 200 tỷ USD trở lên. Giờ đây, sau 14 tháng đầy sóng gió, CEO Tesla lần đầu tiên chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình giảm xuống dưới mức 200 tỷ USD.
Giá trị tài sản ròng của ông Steve Ballmer, Cựu Giám đốc điều hành Microsoft cũng tăng thêm gần 6 tỷ USD. Trong khi đó, các nhà đồng sáng lập Alphabet là Larry Page và Sergey Brin đều chứng kiến tài sản của mình tăng lần lượt 5,3 tỷ USD và 5,1 tỷ USD.
Bất chấp những khó khăn sau nhiều đợt bán tháo kể từ đầu năm, đây được gọi là một ngày vui trong năm 2022 với nhiều cổ phiếu công nghệ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/11 S&P 500 tăng 5.5% và Nasdaq 100 tăng 7.5% sau khi Mỹ công bố CPI tháng 10/2022 tăng chậm hơn dự kiến.
Trong đó, cổ phiếu công nghệ là nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất. Giới đầu tư tin rằng báo cáo lạm phát tháng 10/2022 sẽ càng thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc giảm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.
Cụ thể, CPI tháng 10 của Mỹ chỉ tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1 và chậm đáng kể so với mức tăng 8,2% trong tháng trước. Con số này thậm chí thấp hơn cả mức kỳ vọng tăng 0,6% theo tháng và tăng 7,9% theo năm của các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Dow Jones.
Đây là rõ ràng là tin tốt đối với 32 tỷ phú công nghệ của Mỹ trong Bloomberg Billionaires Index. Tính chung, tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới trong chỉ số này tăng 168 tỷ USD trong phiên giao dịch cùng ngày, mức cao kỷ lục thứ 4 trong lịch sử.
Việc giá cổ phiếu bùng nổ sau khi báo cáo CPI tháng 10 làm dấy lên những tia hy vọng của nhà đầu tư rằng lạm phát có thể đã qua đỉnh. Từ đầu năm nay, lạm phát gia tăng và lãi suất tăng đã ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, gây ra tình trạng bán tháo trên diện rộng.
Mặt khác, đồng USD, một áp lực khác đối với thị trường chứng khoán, cũng đã hạ nhiệt. Chỉ số DXY cuối tuần vừa qua đã giảm 2,28% xuống còn 107,933 điểm, đánh dấu ngày giảm mạnh nhất kể từ năm 2009.
Ông Michael Arone, Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors cho rằng, nhà đầu tư nên thận trọng hơn khi sự hưng phấn của thị trường có phần đang "hơi thái quá". Theo ông, xu hướng lạm phát hạ nhiệt là điều đáng hoan nghênh, nhưng không chắc liệu Fed có sớm đảo ngược chính sách hay không.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm