Thị trường hàng hóa

  • Vàng 2,007.50 +11.50 +0.58%
  • XAU/USD 1,998.53 +9.13 +0.46%
  • Bạc 25.317 +0.246 +0.98%
  • Đồng 3.8457 -0.0158 -0.41%
  • Platin 1,112.70 +6.70 +0.61%
  • Paladi 1,513.28 +4.88 +0.32%
  • Dầu Thô WTI 74.55 +0.25 +0.34%
  • Dầu Brent 78.06 +0.34 +0.44%
  • Khí Tự nhiên 2.311 +0.006 +0.26%
  • Dầu Nhiên liệu 2.3770 +0.0078 +0.33%
  • Xăng RBOB 2.5190 +0.0065 +0.26%
  • Dầu khí London 693.00 +1.62 +0.23%
  • Nhôm 2,312.00 -15.00 -0.64%
  • Kẽm 2,602.00 -43.00 -1.63%
  • Ni-ken 23,721.00 +75.00 +0.32%
  • Copper 8,492.50 -60.00 -0.70%
  • Lúa mì Hoa Kỳ 634.60 -6.40 -1.00%
  • Thóc 17.030 -0.040 -0.23%
  • Bắp Hoa Kỳ 597.00 -3.00 -0.50%
  • Đậu nành Hoa Kỳ 1,409.50 -4.50 -0.32%
  • Dầu Đậu nành Hoa Kỳ 51.78 -0.72 -1.37%
  • Khô Đậu nành Hoa Kỳ 425.55 -1.85 -0.43%
  • Cotton Hoa Kỳ loại 2 78.62 +0.26 +0.33%
  • Ca Cao Hoa Kỳ 2,947.50 -2.50 -0.08%
  • Cà phê Hoa Kỳ loại C 188.80 -2.80 -1.46%
  • Cà phê London 2,382.00 -143.00 -5.66%
  • Đường Hoa Kỳ loại 11 26.66 +0.15 +0.57%
  • Nước Cam 269.85 -10.00 -3.57%
  • Bê 174.45 +0.15 +0.09%
  • Heo nạc 78.40 +1.52 +1.98%
  • Bê đực non 233.70 +4.38 +1.91%
  • Gỗ 348.00 -15.70 -4.32%
  • Yến mạch 327.90 +0.60 +0.18%
09:00 21/12/2023

Giải pháp tăng cường hiệu quả thu hút FDI tại Việt Nam

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng để thu hút vốn FDI. Nhờ đó, các doanh nghiệp FDI đã có mặt trên cả nước và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết phân tích kết quả đạt được, cùng những tồn tại, hạn trong thu hút FDI và đưa ra giải pháp.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

Năm 2022 ghi nhận nhiều diễn biến phức tạp, trong đó có thể kể đến các tác động tiêu cực hậu Covid-19, đặc biệt là ở Trung Quốc, cùng tình hình địa - chính trị quốc tế bất ổn và gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài đã khiến kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm. Kinh tế toàn cầu ảm đạm cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài năm 2022 giảm 11% so với năm trước, chỉ đạt 27,72 tỷ USD; trong đó, vốn FDI đăng ký mới giảm 18,4% so với năm 2021, đạt 12,45 tỷ USD.

Dù khá e dè với các dự án đầu tư mới, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tăng vốn đầu tư cho những dự án đang triển khai có hiệu quả tại Việt Nam. Tổng vốn đầu tư FDI điều chỉnh tăng đạt 10,2 tỷ USD trong năm 2022, tăng 12,2% so với mức cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng của các dự án đầu tư tại Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành sản xuất, phân phối điện; hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 2,26 tỷ USD và gần 1,29 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác. Xét về số lượng dự án mới, các ngành bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30%, 25,1% và 16,3% tổng số dự án.

Theo đối tác đầu tư, đã có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam trong năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 39,7% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, giảm 1,5% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD, chiếm gần 17,3% tổng vốn đầu tư, tăng 22,7% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan…

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo lần lượt là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội.

Năm 2022, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch, có thể thấy rõ tại Bảng. Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI mở rộng quy mô lao động tăng rõ rệt, từ 50,56% năm 2021 lên 55,77% năm 2022. Trong khi năm 2021 chứng kiến tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi ở mức thấp kỷ lục (38,72%), thì đến năm 2022, tỷ lệ này đã tăng đáng kể (lên mức 42,77%). Các nhà đầu tư nước ngoài dường như đã điều chỉnh hoạt động để ổn định doanh thu và chi phí. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm từ mức cao kỷ lục 47,9% năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.

Nguồn: VCCI và USAID (2023)​​​​​

Theo kết quả nghiên cứu của VCCI và USAID (2023), phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu. Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, 25% doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022.

Năm 2021, doanh nghiệp FDI đã tạo việc làm cho 4,6 triệu lao động, chiếm hơn 7% tổng số lao động của Việt Nam. Bên cạnh tạo việc làm trực tiếp, khu vực FDI cũng gián tiếp tạo việc làm cho rất nhiều lao động trong các ngành công nghiệp hỗ trợ hay các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa cho các doanh nghiệp FDI. Mức lương bình quân của lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp có vốn FDI là 11,2 triệu đồng/tháng, cao hơn so với trong khu vực nhà nước hoặc khu vực ngoài nhà nước và cao hơn mức trung bình của nền kinh tế khoảng 1,2 lần.

Cùng với hoạt động đầu tư của doanh nghiệp FDI, nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ được nhập khẩu phục vụ sản xuất; các quy trình kỹ thuật, bí quyết công nghệ và lý thuyết, kinh nghiệm quản lý được chuyển giao cho các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý Việt Nam; nhiều công nhân kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý người Việt Nam có thể đảm đương tốt các vị trí của lao động nước ngoài. Kết quả trên vừa đem lại lợi ích cho doanh nghiệp khi chi phí nhân công Việt Nam thấp hơn nhiều so với chi phí nhân công từ nước ngoài trong cùng một vị trí công việc, vừa giúp phát triển công nghệ và nguồn nhân lực của Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút FDI. Việc nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... đầu tư vào Việt Nam, điển hình là Tập đoàn Samsung đặt mục tiêu xây dựng cơ sở lớn nhất thế giới của Samsung tại Việt Nam, đã tạo điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ.

Khu vực FDI cũng tạo các hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và quản lý, đem lại lợi ích nhất định cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước, khi khu vực tư nhân Việt Nam ngày càng tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ năm 2016, các doanh nghiệp FDI ngày càng bớt phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào tại nước xuất xứ. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI mua nguyên liệu đầu vào từ các doanh nghiệp tại nước xuất xứ đã giảm dần từ 58,7% năm 2016 xuống 30,5% năm 2022. Cùng với đó, doanh nghiệp FDI cũng giảm phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước thứ ba hơn so với 5 năm trước. Chỉ 16% doanh nghiệp FDI cho biết đã sử dụng nhà cung cấp bên thứ ba trong năm 2022, so với 39% năm 2016.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hưởng lợi trực tiếp khi liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Đơn cử, số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 50 doanh nghiệp và số lượng nhà cung ứng cấp 2 từ 157 năm 2018 lên 203 doanh nghiệp vào năm 2021 (Hồng Hạnh, 2022).

MỘT SỐ MẶT HẠN CHẾ

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thu hút FDI tại Việt Nam cũng đã và đang bộc lộ những hạn chế, tồn tại sau:

Thứ nhất, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn thấp, thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước chưa như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm chưa cao. Thực tế, công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các dự án công nghệ cao của Việt Nam còn nhiều hạn chế, doanh nghiệp nội địa nhỏ về quy mô, trình độ công nghệ thấp nên chưa thể trở thành vệ tinh, là mắt xích trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Điều này làm hạn chế tính lan tỏa của các dự án FDI đối với phát triển các ngành kinh tế Việt Nam.

Hơn nữa, mặc dù được kỳ vọng sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nhưng thực tế cho thấy, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất sử dụng trong doanh nghiệp FDI không quá vượt trội so với doanh nghiệp trong nước. Số lượng doanh nghiệp FDI có năng lực công nghệ cao còn hạn chế, chỉ 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020). Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) còn ít.

Thứ hai, tỷ trọng thu hút FDI vào các lĩnh vực chưa đồng đều. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2022, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 0,59% tổng số dự án và khoảng 0,25% tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết vốn FDI tập trung vào lĩnh vực bán buôn bán lẻ, chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản.

Nhìn chung, đa phần dự án FDI ở Việt Nam tập trung vào những lĩnh vực ít thân thiện với môi trường, có mức độ phát thải lớn, giá trị gia tăng thấp, thiếu những ngành công nghiệp mang tính nền tảng. Các dự án FDI xanh ít được chú trọng. Hơn nữa, chất lượng vốn FDI chưa cao, các dự án đầu tư chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ, quy mô dự án trung bình và nhỏ. Nguyên nhân là do tình trạng chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường còn khá phổ biến, nhất là trong quá trình thẩm định, xét duyệt, thực hiện các dự án FDI. Nhiều địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít có chọn lọc, thậm chí đã chấp nhận những doanh nghiệp FDI khai thác tài nguyên giá rẻ với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thứ ba, vẫn xảy ra tình trạng doanh nghiệp FDI chuyển giá, trốn thuế tại Việt Nam. Một số thủ thuật chuyển giá mà các nhà đầu tư nước ngoài thường sử dụng là việc nâng giá tài sản cố định khi góp vốn đầu tư. Các doanh nghiệp đa quốc gia thường tính giá cao hơn so với giá thị trường cho những máy móc, thiết bị nhập khẩu để góp vốn đầu tư ở Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp FDI còn có thể nâng giá nguyên vật liệu nhập khẩu cho sản xuất, dẫn đến doanh nghiệp kê khai lỗ và không nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam; chuyển giá thông qua hình thức chuyển giao tài sản vô hình, thường là công nghệ, bí quyết kỹ thuật, bản quyền, nhãn mác, kỹ thuật quản lý, điều hành và quản trị doanh nghiệp; thực hiện chuyển giá thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ từ công ty mẹ ở nước ngoài...

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ

Hiện nay, nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, quy mô dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu có xu hướng giảm, chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc diễn biến phức tạp đang tạo ra những tác động nhất định tới nền kinh tế toàn cầu. Bối cảnh này đặt ra không ít thách thức mới cho Việt Nam trong thu hút FDI. Qua phân tích kết quả đạt được và những mặt tồn tại, hạn chế, tác giả đưa ra kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI tại Việt Nam trong thời gian tới như sau:

Một là, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật về thu hút FDI để nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng vốn FDI. Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam.

Đồng thời, cần sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch. Tránh hiện tượng thể chế, luật pháp liên quan chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, thực thi không nghiêm nên một số nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở pháp luật để trục lợi, đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” trong những ngành và lĩnh vực hạn chế FDI. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp có liên quan đến FDI, trong đó có chủ trương về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Ngoài ra, cần rà soát, sửa đổi pháp luật về đăng ký chuyển giao công nghệ, nhập khẩu máy móc, thiết bị của doanh nghiệp FDI nhằm kiểm soát, thúc đẩy công nghệ và chuyển giao công nghệ.

Hai là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, rà soát hệ thống chính sách về đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn; tăng cường quản lý nhà nước về FDI từ khâu xúc tiến, thẩm định, triển khai dự án tới khâu kiểm tra, giám sát thực hiện. Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thu hút và quản lý FDI từ Trung ương đến địa phương.

Chính phủ cần sớm ban hành Quyết định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả khu vực FDI. Bộ tiêu chí đánh giá đang xây dựng gồm có 26 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội, môi trường, công nghệ... sẽ làm căn cứ cho nhà đầu tư nước ngoài có thể tự chấm điểm và các địa phương tiếp nhận đầu tư có căn cứ sàng lọc dự án.

Ba là, thực hiện sàng lọc các dự án FDI. Cụ thể cần:

- Chủ động thu hút, hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu

- Cần thận trọng khi xem xét các đề xuất của nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức mua bán và sáp nhập, góp vốn, mua cổ phần (ngành công nghiệp trọng yếu, lĩnh vực an ninh - quốc phòng, có công nghệ, có sẵn chuỗi giá trị, có thương quyền cao...).

- Xây dựng và ban hành các tiêu chí sàng lọc đầu tư (suất đầu tư, lao động, công nghệ…) để làm cơ sở thu hút các dự án có hiệu quả.

- Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (ví dụ: dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Nghiêm cấm thu hút, chấp thuận các dự án không đáp ứng tiêu chuẩn.

- Không gia hạn, mở rộng hoạt động đối với các dự án sử dụng công nghệ thấp, không đáp ứng được tiêu chuẩn công nghệ, môi trường.

Bốn là, tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt về doanh nghiệp FDI để các cơ quan trung ương, địa phương tổng hợp, đánh giá, giám sát hiệu quả, kịp thời; xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế; tăng cường năng lực giám sát tình hình tài chính và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI; công khai, minh bạch thông tin về hoạt động và tình hình tài chính của các doanh nghiệp FDI, sớm phát hiện và phòng ngừa các nguy cơ gây bất ổn kinh tế - xã hội.

Năm là, các doanh nghiệp trong nước cần nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.

TS. Nguyễn Thị Quỳnh Anh - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo TC Kinh tế và Dự báo

Copy link

Đọc thêm

Xem thêm