Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam trong tháng 3/2023 đạt 265 triệu USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm sang các thị trường chính đồng loạt giảm, trong đó, xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản giảm 20%, xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc giảm sâu hơn khoảng 40%.
Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17,6%. Quý đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 105 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu tôm của Nhật Bản năm nay dự kiến vẫn ổn định. Nhật Bản cũng được nhiều doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu trong năm nay nhờ nhu cầu được đánh giá là ổn định, tình hình lạm phát không quá căng thẳng, tỷ suất lợi nhuận ở Nhật Bản tốt hơn do có tỷ lệ hàng tinh chế, phối chế cao.
Tại thị trường EU, xuất khẩu tôm đạt 89 triệu USD, giảm 44% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU không được đánh giá tích cực trong năm 2023 do tác động chiến tranh Nga - Ukraine.
Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 78 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ do kinh tế khó khăn nên lượng nhập khẩu tôm của Hàn Quốc chậm lại.
Lạm phát tăng kỷ lục, sức mua giảm, tồn kho từ năm 2022 còn cao là những yếu tố làm giảm nhu cầu nhập khẩu tôm vào Mỹ. Thị trường Mỹ ngày càng lún sâu vào tình trạng giá thực phẩm tăng, tiêu thụ giảm. Người tiêu dùng tại Mỹ đang tìm cách chỉ chi tiêu cho những hàng hoá mà họ thật sự cần thiết.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 2 tháng đầu năm nay, nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam đạt 6.322 tấn, trị giá 66 triệu USD, giảm 44% về khối lượng và 49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Giá trung bình nhập khẩu tôm vào Mỹ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay giảm 1 USD/kg so với cùng kỳ năm ngoái từ 11,4 USD/kg xuống 10,4 USD/kg. Hai sản phẩm tôm mã HS 1605211030 và 1605211020 vẫn là 2 sản phẩm được nhập khẩu nhiều nhất vào Mỹ trong 2 tháng đầu năm nay.
Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2023, diện tích nuôi tôm cả nước đạt 750 nghìn ha, kim ngạch xuất khẩu tôm phấn đấu đạt trên 4,3 tỷ USD. Tính đến hết 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu đạt 600 triệu USD, giảm 37% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu tôm năm 2023 của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với tôm của Ecuador và Ấn Độ. Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới giảm dần từ nửa cuối năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm khi nguồn cung toàn cầu tăng lên khoảng 6 triệu tấn. Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu trong nước lại có xu hướng tăng dẫn đến khả năng huy động nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu rất khó khăn.
Song song với đó, với tồn kho còn lớn, xuất khẩu tôm chưa thể phục hồi trong nửa đầu năm 2023. Nhu cầu thị trường chủ yếu vẫn sẽ tập trung nhiều hơn vào tôm size nhỏ, lợi thế nghiêng về Ecuador vì nguồn cung tôm dồi dào hơn và lợi thế về vị trí địa lý. Ngoài ra, tình trạng lạm phát, xung đột Nga - Ukraine cũng sẽ có những ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu tôm.
Phát biểu tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tốt liên kết chuỗi sản xuất tôm, đảm bảo chuỗi sản xuất tôm liên hoàn, ngăn chặn kịp thời những sản phẩm như con giống,, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thuỷ sản không đảm bảo chất lượng tới người tiêu dùng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm trong sản phẩm tôm nhằm nâng cao chất lượng. Chủ động, thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, có những giải pháp, kế hoạch sản xuất phù hợp với từng doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, sản xuất tôm.
Doanh nghiệp cần tối ưu chi phí, tập trung phát triển giá trị gia tăng, nâng cao chất lượng của sản phẩm tôm, chuyển hướng xuất khẩu sản phẩm đặc thù quốc gia như tôm rừng, tôm lúa, chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu từng phân khúc thị trường, chuẩn bị về nguồn nguyên liệu, năng lực sản xuất để bắt nhịp khi nhu cầu tôm trên thị trường thế giới phục hồi.
Chú trọng nghiên cứu thị trường và khẩn trương hoàn tất các thủ tục đăng khi trước khi xuất khẩu. Nghiên cứu kĩ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng kí doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc,… Bên cạnh đó, cần xây dựng và cập nhật thường xuyên trên các trang web của doanh nghiệp những thông tin cụ thể về quảng bá sản phẩm xuất khẩu, quảng bá doanh nghiệp.
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh. “Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu.” - ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi chia sẻ.
Bộ Công Thương sẽ tập trung công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp; tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại với các đối tác tiềm năng; đấu tranh bảo vệ thương hiệu, các mặt hàng xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế khi xảy ra tranh chấp thương mại.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm