Thị trường hàng hóa
Ghi nhận của phóng viên plo.vn, trong ngày 11/11 trước khi xăng dầu được điều chỉnh giá, nhiều cửa hàng phải treo biển hết hàng, dựng rào ngừng bán. Chiều tối cùng ngày, sau khi xăng tăng giá tình trạng trên không cải thiện.
Ông M, chủ cửa hàng xăng dầu ở huyện Hóc Môn - nhượng quyền bán lẻ của DN nhà nước cho biết, từ đầu năm 2022 cửa hàng phải kí cam kết bán theo đúng tiến độ.
Ví dụ, cửa hàng cam kết một tháng sẽ bán 180 ngàn lít xăng, lượng hàng phân chia ra theo tiến độ vào ngày 1, 11, 21. Tuy nhiên, mỗi lần đến kì điều chỉnh tăng giá, lấy hàng rất khó khăn.
Cụ thể, theo tiến độ cửa hàng còn được mua 8.000 lít xăng A95 nên chiều 10/11 đặt hàng nhưng DN đầu mối báo không nhận được do lỗi mạng và hẹn hôm sau. Đến sáng 11/11, đầu mối cho biết đang chờ tập đoàn phân nguồn xuống.
“Mặt khác, họ đề nghị công ty mua xăng E5 hay dầu nhưng thời điểm đó các xe bồn đang xếp hàng chờ tại kho Nhà Bè, trong khi 15 giờ giá xăng dầu đã điều chỉnh, hàng sẽ không lấy ra kịp nên tôi không mua” - ông M thông tin.
Theo ông M, khi DN đầu mối không giao 8.000 lít xăng trong ngày 11/11 họ sẽ chuyển sang hôm sau. Lúc này, xăng dầu được điều chỉnh tăng, bán theo giá mới họ được hưởng lời trong khi cửa hàng bán lẻ vẫn tiếp tục lỗ.
Tương tự, một DN bán lẻ quận Tân Bình cho biết, mấy tháng nay các đầu mối xăng dầu rót hàng nhỏ giọt, nguồn cung khan hiếm nên cửa hàng bán giới hạn 50.000 đồng/xe máy.
“Nếu đặt mua đầu mối sẽ giao sau khi điều chỉnh giá. Đơn cử như chiều 11/11 công ty phải mua khoảng 100.000 lít xăng với giá mới trong khi chiết khấu vẫn 100 đồng/lít, cửa hàng tiếp tục lỗ. Nếu nghỉ bán không lý do sẽ bị chế tài nên chúng tôi vẫn cố gắng nhập ít hàng để bán cầm cự” - vị này nói.
Thông tin từ congan.com.vn cho hay: Tại Hà Nội, sau khi Petrolimex tuyên bố cung ứng đầy đủ xăng dầu 24/24, người dân xếp hàng cả đêm để mua, trong khi nhiều hệ thống các cây xăng khác không có hàng để bán, phải đóng cửa, gây áp lực rất lớn lên các cửa hàng của Petrolimex.
Tuần trước, Hà Nội nở rộ "cây xăng cục gạch", khi nhiều người dân thủ đô buộc phải mua với giá đắt hơn 10.000 đồng/lít. Ngoài ra, nhiều tỉnh như Bắc Giang, Sơn La, Lào Cai, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre... cũng thiếu xăng dầu để bán cho dân.
Rất đơn giản, điều mà Bộ Công thương và các cơ quan có trách nhiệm liên quan đã chỉ ra là các doanh nghiệp (DN) bán lẻ càng bán càng lỗ vì giá xăng dầu vẫn chưa tính đúng, tính đủ. Một chủ cây xăng ở Hà Nội cho rằng, cho đến nay chiết khấu bán lẻ mà DN phân phối vẫn để ở mức 0 đồng/lít thì lấy đâu ra chi phí để các đại lý bán lẻ vận hành cây xăng. Dù xăng có nguồn cung, các DN bán lẻ không muốn nhập hàng nữa, lỗ quá nhiều đến nỗi không thể chịu nổi.
Một chủ DN bán lẻ khác phản ứng: "Không thể chấp nhận được việc các DN bán lẻ càng bán thì càng lỗ, lỗ đến mức không chịu đựng được. Cứ bán một ngày lại phải ngừng một ngày hoặc bán nửa ngày và nghỉ nửa ngày, không thể xoay xở được nguồn tiền để kinh doanh.
Chủ một hệ thống bán lẻ xăng dầu ở An Giang cho rằng, việc các DN bán lẻ lỗ liên tục đã khiến cạn vốn. Từ đầu năm đến nay, mỗi cây xăng lỗ trung bình mỗi tháng khoảng 20-200 triệu đồng, tùy sản lượng bán ra. Ước lượng, đến thời điểm này trung bình mỗi cây xăng sẽ lỗ từ 200 triệu đồng đến hàng tỉ đồng. Có DN không tìm được nguồn vay để nhập xăng dầu. Để có tiền nhập hàng, họ đã phải vay lãi ngày. Vì thế, lượng hàng phải nhập ít đi. Dù vậy, các đầu mối cung ứng xăng dầu cũng không có hàng để bán cho các đơn vị bán lẻ.
Theo ông Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, vấn đề mấu chốt nhất hiện nay mà DN đang nói nhiều là giá xăng dầu nhập khẩu đang ở mức rất cao. DN nào nhập khẩu càng nhiều thì lỗ nặng, chưa có cách nào để bù lại được. Ngay cả "ông lớn" Petrolimex cũng lỗ.
Theo cổng thông tin điện tử Chính phủ, ngày 10/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước; điều hành giá xăng dầu theo đúng quy định pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó phải rà soát, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Đây là chỉ đạo mới nhất có tính "tối hậu thư” của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, Thủ tướng đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công thương và các cơ quan chức năng phải có biện pháp cụ thể để đảm bảo nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên, tình hình vẫn không biến chuyển, thậm chí càng khó khăn hơn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm