Thị trường hàng hóa
Vì sao giá xăng trong nước bất ngờ điều chỉnh vào tối 30/1?
Theo quy định tại Nghị định 95, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh trong các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Tuy nhiên, vào tối hôm qua (30/1), Liên Bộ Tài chính - Công Thương bất ngờ điều chỉnh giá xăng với mức tăng gần 1.000 đồng/lít. Hiện xăng E5 đang có mức giá 22.329 đồng/lít, xăng RON95 có giá 23.147 đồng/lít.
Đây là mức tăng được đánh giá là “dễ chịu”, bởi giá xăng thế giới trong 1 tháng qua đã tăng 10,7%. Cụ thể, vào kỳ điều chỉnh trước đó (ngày 11/1), giá xăng cơ sở tại thị trường Singapore dao động trong khoảng 93 - 96 USD/thùng, tùy loại, nhưng tới ngày 27/1, giá xăng tại Singapore đã tăng vọt lên 103 - 107 USD/thùng.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội cho biết: Đáng lẽ, giá xăng trong nước đã có thể tăng từ 1.500 - 1.800 đồng/lít. Tuy nhiên, do Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã tăng mức chi trong Quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), nhằm không đẩy giá xăng lên quá cao.
“Thông lệ mỗi năm, giá cả sau Tết Nguyên đán thường có xu hướng tăng, và chỉ bắt đầu hạ nhiệt sau rằm tháng Giêng. Trong bối cảnh hiện nay, nếu giá xăng tăng quá cao, có thể ảnh hưởng tới công tác kiểm soát giá, kiểm soát lạm phát. Vì vậy, việc cơ quan chức năng tăng chi quỹ BOG, để kìm đà xăng tăng là điều dễ hiểu”, vị này nói.
Liên quan tới vấn đề giá xăng bất ngờ điều chỉnh vào ngày 30/1, thay vì ngày 1/2 theo Nghị định 95, vị này nhận định quyết định này không hề gây bất ngờ: “Bởi lẽ, cơ quan chức năng công bố kỳ điều chỉnh sớm trước quy định, là vì kỳ điều chỉnh này đã bị kéo dài tới hơn 20 ngày”.
Vị này phân tích, đáng lẽ, kỳ điều chỉnh xăng dầu sẽ diễn ra vào ngày 21/1, tuy nhiên, ngày này lại trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão nên kỳ điều chỉnh xăng dầu sẽ bị lùi sang ngày 1/2.
“Rõ ràng, trong 20 ngày qua, giá xăng nhập khẩu đã tăng rất mạnh nhưng giá bán trong nước không tăng vì đang “nghỉ” Tết. Các doanh nghiệp nhập khẩu không tránh khỏi thua lỗ, nếu giá xăng không được điều chỉnh sớm”, vị này nói.
Trong năm 2022, rất nhiều chuyên gia đã đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh Nghị định 95, bỏ định điều chỉnh giá xăng định kỳ theo các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Thay vào đó, cho phép các doanh nghiệp xăng dầu chủ động điều chỉnh, mỗi khi giá xăng thế giới có biến động.
Trước thời điểm điều chỉnh giá xăng, nhiều “cây” xăng tự động nghỉ bán
Trước khi cơ quan chức năng điều chỉnh giá xăng vào tối 30/1, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều trường hợp các cơ sở kinh doanh xăng dầu đóng cửa, nghỉ bán trái quy định.
Đơn cử, trong sáng 30/1, Cục Quản lý thị trường Ninh Bình cho biết đã phát hiện và xử phạt 2 cửa hàng xăng dầu do ngừng bán không thông báo cho cơ quan chức năng.
Trường hợp thứ nhất là Cửa hàng xăng dầu Gia Lập thuộc Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hoàng Long. Cơ sở này đã bị Cục Quản lý thị trường Ninh Bình phạt 15 triệu đồng với hành vi vi phạm hành chính Ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Trường hợp thứ hai là Cửa hàng xăng dầu số 2 Bảo Sơn thuộc Công ty TNHH xây dựng và thương mại Kim Thành. Cơ sở này cũng bị xử phạt 15 triệu đồng.
Trong khi đó, cùng ngày, tại Hà Nam, Cục Quản lý thị trường đã xử phạt 15 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần đầu tư dịch vụ thương mại Tân Thịnh về hành vi ngừng bán hàng mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Cùng ngày, Đội 2, Cục Quản lý thị trường Hà Nam phát hiện nhân viên cửa hàng thuộc Công ty TNHH Phúc Lâm Châu chỉ giới hạn bán 30.000 đồng/1 lượt xe máy và 300.000 đồng/lượt ôtô.
Điều đáng nói, lượng xăng dầu dự trữ tại cơ sở này còn rất lớn. Cụ thể, xăng RON95 tồn còn hơn 10.700 lít, dầu diesel tồn hơn 7.800 lít. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường Hà Nam quyết định xử phạt 15 triệu đồng đối với cơ sở này về hành vi giảm lượng bán hàng ra so với thời gian trước đó mà không thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm