Thị trường hàng hóa
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá xăng dầu thế giới đã bật tăng mạnh khi tâm lý lo ngại thiếu hụt nguồn cung nhiên liệu trong nửa cuối năm nay lấn át các lo ngại về rủi ro suy giảm nhu cầu sử dụng khi hoạt động kinh tế toàn cầu ở mức yếu.
Cụ thể, giá dầu thô Brent tăng 2,6% lên 78,47 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng tới 2,9% lên 73,85 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên giao dịch cao nhất kể từ ngày 1/5 đến nay đối với dầu thô Brent. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent và dầu thô WTI đã tăng khoảng 5%.
Trong tuần này, Saudi Arabia và Nga – hai quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã tuyên bố sẽ tiếp tục giảm mạnh thêm sản lượng khai thác dầu thô trong tháng 8/2023. Thậm chí, Saudi Arabia nhấn mạnh liên minh OPEC+ sẽ làm “mọi điều cần thiết” để điều tiết sự cân bằng trên thị trường dầu thô.
Một số quốc gia khác thuộc liên minh OPEC+ cũng đã lên tiếng ủng hộ hành động của Saudi Arabia và Nga; trong đó, Algeria đã thông báo sẽ giảm sản lượng khai thác thêm 20.000 thùng/ngày trong tháng 8 tới đây.
Nếu tất cả các cam kết cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC+ được thực hiện đầy đủ thì nguồn cung dầu thô sẽ giảm khoảng 5,16 triệu thùng/ngày tương đương hơn 5% tổng nhu cầu sử dụng dầu toàn cầu trong nửa cuối năm nay. Liên minh OPEC+ với 23 quốc gia thành viên đang kiểm soát hơn 40% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Xem thêm bài viết: "Hàng loạt quốc gia OPEC+ vừa tuyên bố giảm thêm sản lượng khai thác dầu thô" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giới đầu tư kỳ vọng các động thái trên sẽ ngăn giá xăng dầu toàn cầu giảm sâu hơn nữa; thậm chí, tình trạng thiếu hụt nguồn cung có thể đẩy giá xăng dầu các loại tăng lên trong thời gian tới. Khảo sát gần nhất của hãng tin Reuters cho thấy các nhà kinh tế học và giới phân tích dự báo giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 83,03 USD/thùng trong năm nay.
Hiện một số nguồn tin cho biết khối OPEC đang tiếp tục duy trì kỳ vọng tích cực đối với nhu cầu sử dụng dầu thô trong năm 2024.
Xét về góc độ kỹ thuật, sau khi dao động trong biên độ 73 – 77 USD/thùng trong vòng 2 tháng qua, giá dầu thô Brent hiện đang bắt đầu bước vào vùng “quá mua” lần đầu tiên kể từ hồi giữa tháng 4/2023. Điều này có thể sẽ tạo ra một nhịp tăng giá mới đối với giá dầu thô.
Giá xăng dầu thế giới cũng đang được hỗ trợ nhờ đồng USD giảm nhiệt trên thị trường tiền tệ. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, đã chạm mức thấp nhất 2 tuần trở lại đây. Đồng USD yếu sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu thu mua đối với các loại nguyên liệu được định giá bằng đồng tiền này như dầu thô.
Tại thị trường trong nước, đầu tuần này, giá xăng dầu vừa được liên Bộ Công Thương – Tài chính điều chỉnh giảm 400 – 500 đồng/lít. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 408 đồng/lít, ở mức không cao hơn 20.470 đồng/lít; giá xăng RON95-III giảm 587 đồng/lít, ở mức không cao hơn 21.428 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S giảm 5 đồng/lít, ở mức không cao hơn 18.169 đồng/lít; giá dầu hỏa giảm 30 đồng/lít, ở mức không cao hơn 17.926 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 19 lần điều chỉnh, trong đó có 9 lần tăng, 7 lần giảm và 3 lần giữ nguyên.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm