Thị trường hàng hóa
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp. Thông thường, khi lãi suất tăng, đồng USD sẽ mạnh lên, từ đó gây áp lực lên thị trường kim loại quý.
Tuy nhiên, lần tăng lãi suất này là ngoại lệ vì FED đồng thời phát đi tín hiệu sẽ sớm chấm dứt chính sách thắt chặt tiền tệ, từ đó khiến giá USD giảm sâu, còn giá vàng tăng mạnh, hướng đến mức cao nhất mọi thời đại. Trong bối cảnh đó, giá vàng SJC trong nước chỉ nhích rất nhẹ khiến chênh lệch giữa hai mức giá rơi xuống mức thấp kỷ lục.
Từ đầu giờ sáng 4/5, các công ty kim hoàn điều chỉnh giá vàng SJC tăng rất nhẹ. Cá biệt, tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC còn quay đầu giảm nhẹ.
Cụ thể, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết giá vàng SJC ở mức: 66,65 triệu đồng/lượng – 67,25 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua vào và bán ra, tương đương 0,15% so với trước kỳ nghỉ lễ. Đây cũng là mức giá được giao dịch tại Tập đoàn Doji.
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận - PNJ cũng điều chỉnh giá vàng SJC tăng nhẹ lên 66,70 triệu đồng/lượng – 67,30 triệu đồng/lượng. PNJ là công ty có mức bán ra vàng SJC cao nhất thị trường.
Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu đi ngược xu hướng thị trường khi điều chỉnh giá giảm 50.000 đồng/lượng xuống 55,72 triệu đồng/lượng – 67,28 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng phi SJC tăng khá mạnh. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng rồng Thăng Long mua bán ở mức: 56,23 triệu đồng/lượng – 57,23 triệu đồng/lượng, tăng 270.000 đồng/lượng. Giá vàng PNJ giao dịch ở mức cao hơn một chút: 56,30 triệu đồng/lượng – 57,60 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra của vàng PNJ rất cao, lên đến 1,3 triệu đồng/lượng.
Đêm qua, tại thị trường Mỹ, thông tin được ngành tài chính quan tâm nhất chính là FED đã tăng lãi suất thêm một phần tư điểm phần trăm để dập tắt áp lực lạm phát khiến giá cả tăng cao hơn mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, FED cũng phát đi tín hiệu có thể sớm dừng chính sách thắt chặt tiền tệ nên giá vàng tăng vọt, vượt mốc 2.040 USD/ounce.
Tới phiên giao dịch sáng 4/5 tại thị trường châu Á, giá vàng tiếp tục đi lên và đạt 2.043 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá vàng vọt lên 2.070 USD/ounce cách mốc cao nhất mọi thời đại 2.078 USD/ounce không xa.
Ở mức giá 2.043 USD/ounce của giá vàng thế giới, giá vàng SJC quy đổi đạt khoảng 57,85 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC “chỉ” còn đắt hơn giá vàng thế giới 9,4 triệu đồng/lượng. Ngay trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, chênh lệch này lên đến hơn 11 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, giá vàng SJC đang “rẻ” kỷ lục so với giá vàng thế giới trong khoảng thời gian này. Dù vậy, đây vẫn là khoảng cách rất lớn.
Tai Wong, một nhà giao dịch kim loại độc lập có trụ sở tại New York, cho biết: “Vàng đã tăng lên mức cao nhất trong ngày theo phản xạ sau khi tuyên bố của FED chỉ ra việc tạm dừng”.
Sau quyết định của FED, chỉ số đô la Mỹ đã giảm 0,6%, khiến vàng thỏi trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lãi suất trái phiếu kho bạc 10 năm chuẩn cũng giảm.
Nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered cho biết: “Những lo ngại liên quan đến các ngân hàng khu vực của Mỹ và mức trần nợ cho thấy giá cả sẽ tiếp tục biến động”.
Với cuộc tranh luận về trần nợ mới xuất hiện trong tâm trí mọi người, Chủ tịch FED Powell nhấn mạnh rằng FED không thể bảo vệ nền kinh tế Mỹ trong trường hợp vỡ nợ.
Ông nói: “Không ai nên cho rằng FED thực sự có thể bảo vệ nền kinh tế, hệ thống tài chính và danh tiếng của chúng ta trên toàn cầu khỏi những thiệt hại mà một sự kiện như vậy có thể gây ra”.
Giá vàng đã tăng 1% trong tháng 4 khi cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ thúc đẩy một “chuyến bay” đến nơi an toàn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm