Thị trường hàng hóa
Giá tiêu hôm nay ngày 12/7/2024 tại thị trường trong nước
Sau khi chịu áp lực điều chỉnh nhẹ trong ngày hôm qua, giá tiêu hôm nay tại một số vùng trồng trọng điểm đã tăng nhẹ trở lại. Qua đó, mặt bằng giá tiêu trung bình trên thị trường nội địa dao động quanh ngưỡng 154.000 đồng/kg.
Cụ thể, ở khu vực Tây Nguyên, giá tiêu hôm nay tại Đắk Lắk tăng 1.000 đồng/kg, đạt 154.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Gia Lai tiếp tục đi ngang ngày thứ hai liên tiếp, ở mức 153.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại Đắk Nông tăng 1.000 đồng/kg, đạt 154.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá tiêu hôm nay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, và Bình Phước cùng được giữ ổn định ở mức 153.000 đồng/kg.
Lưu ý: Các giá trên chỉ mang tính chất tham khảo, mức giá thực tế sẽ có sự chênh lệch theo từng địa phương, phương thức vận chuyển, phương thức thanh toán, khối lượng giao dịch… Quý độc giả vui lòng liên hệ đến các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh hồ tiêu gần nhất để được tư vấn cụ thể.
Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 142.586 tấn hồ tiêu các loại,giảm 6,8% về lượng nhưng lại tăng 30,5% về kim ngạch.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch VPSA cho biết, lượng xuất khẩu giảm mạnh nhưng giá hạt tiêu tại Việt Nam tăng cao. Qua đó, đem lại niềm vui cho người dân trồng tiêu để bù lại cho những năm giá xuống quá thấp (2019 và 2020). Với diễn biến giá hạt tiêu từ đầu năm đến nay, rõ ràng hạt tiêu đang vào chu kỳ tăng giá mới. Nguyên nhân chính là nguồn cung hạt tiêu hạn chế trên toàn cầu.
Sản lượng hạt tiêu giảm không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước sản xuất lớn khác tại châu Á là Indonesia, Ấn Độ, và những nước sản xuất nhỏ hơn như Malaysia, Sri Lanka. Một nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất ở Nam Mỹ là Brazil cũng đang bị giảm sản lượng do tác động của El Nino. Sản lượng giảm trên toàn cầu đã bắt đầu hỗ trợ cho việc tăng giá hạt tiêu từ tháng 9 - tháng 10/2023, và tăng mạnh kể từ sau Tết Giáp Thìn.
Với tình hình sản xuất hồ tiêu trên toàn cầu, Chủ tịch VPSA nhận định, trong 3 - 5 năm tới, sản lượng hạt tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vẫn đang có xu hướng tăng lên. Người bán đang mong muốn có sự liên kết để không tạo ra lượng đơn hàng ồ ạt trên thị trường, ghìm giá hồ tiêu xuống. Hay nói cách khác, chúng ta đang có sự giằng co giữa bên mua và bên bán trên thị trường.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) dự báo, giá hồ tiêu trong nước tăng đẩy giá hồ tiêu xuất khẩu tăng và có thể kỳ vọng ngành hồ tiêu sẽ thu về tỷ USD xuất khẩu trong năm nay. Dù Trung Quốc giảm mua mạnh, nhưng nhờ nguồn cung thấp và đa dạng thị trường xuất khẩu nên hồ tiêu Việt Nam "sáng cửa" đạt được mục tiêu trên.
Quy mô thị trường hồ tiêu toàn cầu được định giá 5,43 tỷ USD, dự báo tăng trưởng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 2024 - 2032. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là làm sao ổn định được sản lượng hạt tiêu ở mức từ 170.000 - 190.000 tấn để duy trì được vị thế của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới, theo bà Hoàng Thị Liên.
Sản lượng hạt tiêu Việt Nam đang giảm bởi diện tích trồng tiêu liên tục giảm do thời tiết bất lợi và nhất là sự cạnh tranh mạnh mẽ của các cây trồng khác như sầu riêng, cà phê... Trong hàng chục năm qua, giá cà phê ở Việt Nam luôn thấp hơn giá tiêu. Tuy nhiên, trong năm nay, dù giá tiêu tăng cao, nhưng giá cà phê lại tăng mạnh hơn nhiều và có thời điểm lên đến hơn 140.000 đồng/kg, còn sầu riêng vẫn đang mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần so với hồ tiêu.
Bà Liên cho rằng vấn đề cốt lõi trong việc giữ diện tích, sản lượng hạt tiêu là phải đảm bảo được giá tốt cho nông dân để họ tiếp tục gắn bó với cây trồng này. Trong năm qua, khi VPSA tổ chức đoàn khảo sát các vùng trồng tiêu, nhiều nông dân đã nói nếu giá tiêu chỉ ở mức 50.000 - 60.000 đồng/kg thì họ không muốn trồng tiêu nữa.
Ngoài việc giữ được giá tốt cho nông dân, tăng cường sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm giá trị gia tăng cũng là giải pháp quan trọng đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng để nâng cao giá trị hạt tiêu và thu nhập cho nông dân.
Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, sản lượng thấp, giá neo cao, và tình trạng người trồng tiêu bán hàng “nhỏ giọt” đang gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh. Cùng với đó là giá cước vận tải biển gia tăng mạnh thời gian gần đây, khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu đau đầu vì bên thì không có hàng để bán, bên thì có hàng để bán thì càng bán càng lỗ.
Hiện các doanh nghiệp kỳ vọng giá cước vận tải sẽ ổn định trở lại sau tháng 8 tới đây. Với việc Brazil dự báo mất mùa, thị trường hồ tiêu hiện đang phải chờ đến tháng 9 mới sôi động trở lại khi bước vào mùa thu hoạch tiêu tại Việt Nam, theo VPSA.
Theo dõi giá tiêu được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá tiêu hôm nay ngày 12/7/2024 tại thị trường thế giới
Trên thị trường thế giới, dựa trên báo giá của các doanh nghiệp xuất khẩu và giá xuất cảng tại các nước, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) đã cập nhật giá tiêu các loại giao dịch trên thị trường quốc tế trong ngày 11/7 (theo giờ địa phương) như sau:
Giá tiêu đen Lampung của Indonesia tiếp tục tăng thêm 0,35%, đạt 7.191 USD/tấn; giá tiêu trắng Muntok cũng tăng 0,35%, đạt 9.156 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA 570 của Brazil giữ ổn định ở mức 7.150 USD/tấn.
Giá tiêu đen ASTA của Malaysia giữ ổn định ở mức 7.500 USD/tấn; giá tiêu trắng ASTA của nước này cũng được giữ nguyên tại mức 8.800 USD/tấn.
Giá tiêu các loại của Việt Nam cũng được giữ ổn định. Trong đó, giá tiêu đen của Việt Nam loại 500 gr/l đạt 6.000 USD/tấn; loại 550 gr/l đạt 6.600 USD/tấn.
Tương tự, giá tiêu trắng của Việt Nam được giữ ổn định ở mức 8.800 USD/tấn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm