Thị trường hàng hóa
Theo đánh giá mới đây của Chứng khoán KBSV, hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc sang các thị trường lớn như Mỹ và EU sẽ suy giảm đáng kể trong thời gian tới trong bối cảnh các thị trường này gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trên thực tế, nhu cầu yếu đã khiến giá thép tại Trung Quốc giảm khoảng 11% từ đầu quý 3/2024 đến nay. Trong khi đó, tồn kho thép trong tháng 8/2024 ước đạt 13,6 triệu tấn, cao hơn 4-6% so với giai đoạn 2021-2022. Điều này có thể khiến giá thép trong khu vực tiếp tục chịu áp lực giảm thêm trong ngắn hạn và sẽ chỉ ổn định trở lại khi cung - cầu thị trường thép nội địa Trung Quốc cân bằng lại.
Theo đó, Chứng khoán KBSV nhận định biên lãi gộp của Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu HSG - sàn HoSE) trong quý 4 niên độ tài chính 2024 (tương đương quý 3/2024) có thể sẽ giảm xuống do phải trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Như Tạp chí Công Thương đã phân tích, khi giá thép cuộn cán nóng (HRC) dao động quanh vùng đáy 500 - 520 USD/tấn, Tập đoàn Hoa Sen đã gia tăng tích trữ nguyên vật liệu giá rẻ trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, với việc giá HRC đã giảm xuống quanh vùng 480 USD/tấn, thậm chí có thời điểm chỉ còn 450 USD/tấn. Điều này sẽ khiến Tập đoàn Hoa Sen phát sinh chi phí dự phòng hàng tồn kho.
Điểm sáng là rủi ro hàng tồn kho giai đoạn này sẽ không nghiêm trọng như giai đoạn 2022, theo Chứng khoán KBSV. Cụ thể, trong quý 3 niên độ tài chính 2024, lượng hàng tồn kho của Tập đoàn Hoa Sen đã giảm 15% so với quý liền trước; trong đó, nguyên vật liệu đi đường giảm tới 73%, phần nào cho thấy sự chủ động và nỗ lực của tập đoàn này trong việc kiểm soát chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Đồng thời, giá tôn mạ và giá HRC từ đầu năm đến nay giảm trung bình lần lượt 5% và 14%, thấp hơn nhiều so với mức giảm 18% và 26% của giai đoạn nửa cuối năm 2022. Việc giá bán sản phẩm đầu ra giảm chậm hơn giá nguyên liệu đầu vào sẽ tạo dư địa cho Tập đoàn Hoa Sen kiểm soát biên lãi gộp.
Nhu cầu tiêu thụ hiện nay tại thị trường nội địa đang hồi phục sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Hoa Sen đẩy hàng tồn kho. Thậm chí, Tập đoàn Hoa Sen có thể tiếp tục giảm giá bán để cải thiện sản lượng tiêu thụ mà vẫn duy trì được biên lãi gộp ở mức 11-12% trong trung hạn, theo Chứng khoán KBSV.
Xem thêm: "Vì sao Dragon Capital miệt mài bán ròng 40 triệu cổ phiếu HSG từ đầu năm đến nay?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dữ liệu cho thấy tính chung 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ tôn mạ của Tập đoàn Hoa Sen trên thị trường nội địa đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2023; trong khi đó, tiêu thụ trên kênh xuất khẩu giảm 7%. Tương tự, tiêu thụ thép ống trên thị trường nội địa cũng đã tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, trong trường hợp Bộ Công Thương chính thức quyết định áp thuế chống bán phá giá với tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc trong thời gian tới, sản lượng tiêu thụ tôn mạ nội địa sẽ được cải thiện. Tập đoàn Hoa Sen được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất nhờ giữ thị phần tôn mạ lớn nhất tại thị trường trong nước (28,4% vào cuối năm 2023).
Theo Chứng khoán KBSV, việc các thị trường xuất khẩu chính của Tập đoàn Hoa Sen như Mỹ và EU gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ có tác động tiêu cực lên sản lượng xuất khẩu của tập đoàn này trong ngắn và trung hạn.
Tuy nhiên, trong dài hạn, Tập đoàn Hoa Sen vẫn sẽ có lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nhờ mức thuế áp dụng cho các sản phẩm thép nhập khẩu từ Việt Nam thấp hơn mức thuế áp dụng cho Trung Quốc.
Ngoài ra, như Tạp chí Công Thương đã phân tích, việc EU siết nhập khẩu HRC sẽ khiến mặt bằng giá thép HRC tại đây neo cao như hiện nay hoặc làm chậm tốc độ giảm giá bán HRC ở đây so với các quốc gia khác. Từ đó, chênh lệch giá thép HRC giữa các khu vực sẽ gia tăng hơn, thúc đẩy biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam như Tập đoàn Hoa Sen.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm