Thị trường hàng hóa
Tình hình sử dụng C/O EVFTA khá tích cực
Liên quan đến tình hình sử dụng chứng nhận xuất xứ trong EVFTA, tại tọa đàm Gia tăng hàm lượng xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang EU trong EVFTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/12, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, mức độ mà các lô hàng xuất khẩu đi EU được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA đang chiếm 20% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đi EU. Tổng kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA là 18,7 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA. Đây là một con số khá tích cực.
Hàng hóa được cấp C/O chủ yếu được xuất khẩu sang các thị trường có cảng biển hoặc là các trung tâm phân phối của Châu Âu, ví dụ như Bỉ, Đức, Hà Lan và Pháp... Ví dụ, hàng hóa được C/O xuất khẩu đi thị trường Đức đã đạt 3,2 tỷ USD trong hai năm đầu thực hiện EVFTA, cấp đi Bỉ là 3,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, những mặt hàng hiện nay đang có kim ngạch cao được cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA gồm có da giày, thủy sản... Ví dụ như mặt hàng da giày được cấp C/O đã đạt kim ngạch xuất khẩu 8,9 tỷ USD trong vòng hai năm kể từ khi thực hiện EVFTA.
Bà Hiền cũng chia sẻ thêm: “Con số 20% kim ngạch hàng hóa được cấp C/O mẫu EUR.1 không có nghĩa là 80% kim ngạch còn lại đang phải chịu thuế cao”.
Bởi vì thứ nhất, có những dòng thuế trong WTO đã bằng 0 rồi, không cần phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Thứ hai hàng xuất khẩu đi EU có thể có một lựa chọn khác, đó là hưởng ưu đãi thuế quan theo chế độ thuế quan phổ cập GSP của EU dành cho các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Thứ ba là doanh nghiệp còn có thể tự chứng nhận xuất xứ cho những lô hàng có kim ngạch xuất khẩu trị giá từ 6000 Euro trở xuống.
Thêm nữa, con số 20% chỉ là con số chung về tỷ lệ kim ngạch hàng xuất khẩu của Việt Nam được cấp C/O trong khuôn khổ EVFTA và tỷ lệ này sẽ khác nhau rất nhiều ở từng thị trường cụ thể hoặc từng mặt hàng cụ thể.
Ví dụ như hàng xuất khẩu sang thị trường Luxembourg thì tỷ lệ này là 77%, sang thị trường Bỉ tỷ lệ này khoảng 50%. Đối với từng mặt hàng cụ thể thì ví dụ như mặt hàng da giày tỷ lệ trên 90% và đối với mặt hăng thủy sản là trên 77%.
“Như vậy chúng ta đang thấy nếu như nhìn vào tỉ lệ thì sẽ rất khác nhau ở các thị trường và các mặt hàng. Con số 20% thì được đánh giá là con số mà hiện nay đang thể hiện sự phát huy thực chất của một hiệp định được kỳ vọng và thực tế thì con số 20% này cũng ngang bằng với tỷ lệ của những hiệp định mà đã được thực thi từ trước EVFTA rất nhiều rồi thì mới đạt được 20%” – bà Trịnh Thị Thu Hiền chia sẻ.
Cụ thể hơn, dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam khẳng định: “Hiệp định EVFTA góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày”.
Theo đó, thị trường EU là một thị trường truyền thống và cũng là một thị trường chính của ngành da giày. Tuy nhiên trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực thì tỷ trọng thị trường EU của ngành da giày chỉ chiếm khoảng 22-23%, song sau khi hiệp định có hiệu lực thì tỷ trọng này đã nâng lên là 26%.
Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, khi ngành da giày bị chịu tác động của đại dịch Covid-19, hầu như xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường đều có sự suy giảm. Tuy nhiên, nhờ Hiệp định EVFTA, ngành da giày vẫn duy trì được xuất khẩu vào thị trường EU. Năm 2021 là năm mà Hiệp hội Da giày Việt Nam đánh giá là chịu ảnh hưởng lớn nhất thì thị trường EU vẫn có sự tăng trưởng.
“Nhờ thế, kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 vẫn đạt kế hoạch đề ra. 9 tháng vừa rồi, qua khảo sát dữ liệu thống kê chúng tôi thấy mức độ tăng trưởng của thị trường EVFTA khá tốt với mức độ 15% và hầu như mức độ tăng trưởng xuất khẩu vào các thị trường trong khối EVFTA đều tăng ở mức 15 - 20%. Tôi thấy rằng Hiệp định EVFTA đã góp phần rất tốt trong thành tích xuất khẩu của ngành da giày nói riêng và của Việt Nam nói chung” – bà Xuân khẳng định.
Quy định mới từ 1/1/2023
Từ ngày mùng 1/1/2023, khi GSP hết hiệu lực, thế thì cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu đi EU sẽ thay đổi. Bà Trịnh Thị Thu Hiền nêu rõ, từ ngày 01/01/2023, cơ chế chứng nhận xuất xứ đối với hàng đi EU sẽ theo quy định và theo cơ chế chứng nhận xuất xứ trong khuôn khổ EVFTA. Cụ thể là đối với những lô hàng có trị giá từ 6000 Euro trở xuống thì doanh nghiệp sẽ thực hiện tự chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng đó, không cần phải có văn bản chấp thuận của Bộ Công Thương.
Còn đối với những lô hàng trên 6000 Euro thì doanh nghiệp sẽ thực hiện nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu EUR.1 trong khuôn khổ EVFTA đối với các lô hàng xuất khẩu đi EU.
“Ở đây tôi cũng xin nhấn mạnh một điểm là không phải cứ hàng từ 6000 euro trở xuống thì bắt buộc phải tự chứng nhận xuất xứ mà doanh nghiệp hoàn toàn có quyền. Trong trường hợp nếu như doanh nghiệp vẫn muốn có chứng từ C/O EUR.1 thì doanh nghiệp vẫn nộp một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ đối với những lô hàng dưới 6000 Euro trở xuống, tương tự như hồ sơ mà đề nghị cấp đối với lô hàng trên 6000 Euro” – bà Hiền nêu rõ.
Doanh nghiệp cũng cần lưu ý là khi hàng hóa có giấy chứng nhận xuất xứ hay là có những chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thì không phải nộp các chứng từ đó cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu đã là xong mà sau đó còn câu chuyện liên quan đến kiểm tra sau thông quan của hải quan nước nhập khẩu, hậu kiểm.
Bà Hiền lưu ý: “Cho nên chúng tôi cũng xin được lưu ý các doanh nghiệp về việc có hệ thống lưu trữ chứng từ, hồ sơ rất cẩn thận để đề phòng trường hợp sau này nếu như có xác minh xuất xứ, nếu như có hậu kiểm thì chúng ta hoàn toàn có đầy đủ khả năng để chứng minh xuất xứ cho những lô hàng mà mình đã xuất khẩu, có thể là từ trước đây một năm, hai năm và những ưu đãi thuế quan sẽ vẫn được giữ trong khuôn khổ EVFTA đối với những lô hàng mà bị xác minh xuất xứ như vậy”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm