Thị trường hàng hóa
Dự báo giá phân ure quý 4/2023 tăng thêm 20%
Dữ liệu của Indexmundi cho thấy giá phân ure thế giới trong nửa đầu năm nay liên tục có xu hướng đi xuống, giảm xuống còn khoảng 320 USD/tấn, giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022 do nguồn cung dồi dào trong khi đó sức mua còn yếu.
Tuy nhiên, giá phân ure thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khi tăng liên tục từ trung tuần tháng 6/2023 đến nay với mức tăng lên đến 24 - 50% tại các thị trường khác nhau. Đáng chú ý, tính riêng tháng 7/2023, giá phân ure thế giới đã tăng 24% tại hầu hết các khu vực. Hiện giá phân ure thế giới đã về mức tương đương như thời điểm tháng 1-2/2023.
Diễn biến giá phân ure giao ngay tại các thị trường chủ chốt trên thế giới qua các tháng. (Nguồn: Bloomberg, Argus, BVSC)
Trong tuần đầu tiên của tháng 8/2023, giá phân ure đã tăng 18 - 48 USD/tấn so với tuần cuối cùng của tháng 7/2023. Cụ thể, tại Trung Đông, giá phân ure hạt đục giao ngay đã tăng thêm 37 - 48 USD/tấn so với trung tuần tháng 7/2023; đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong số các thị trường phân bón chủ chốt trên thế giới. Tại Biển Đen, giá phân ure được chào ở mức 400 USD/tấn FOB cho các lô hàng giao cuối tháng 8 hoặc tháng 9, tăng 60 USD/tấn so với trung tuần tháng 7/2023.
Tương tự, tại Trung Quốc, giá phân ure xuất xưởng trên thị trường nội địa trong tuần đầu tháng 8/2023 đã tăng 7 - 12% so với tuần cuối của tháng 7/2023, lên mức 2.453 - 2.625 Nhân dân tệ/tấn (tương đương 340 - 362 USD/tấn). Đối với hàng xuất khẩu, giá ure hạt đục và hạt trong của nước này đều tăng 35 - 55 USD/tấn so với tuần giữa tháng 7/2023.
Đà tăng của giá phân ure thế giới chủ yếu đến từ tình trạng khan hiếm nguồn cung đột ngột và kỳ vọng nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tăng lên. Cụ thể, việc thoả thuận ngũ cốc Sáng kiến Biển Đen giữa Nga và Ukraine chấm dứt có thể khiến giá nông sản tăng mạnh và gây ảnh hưởng xấu tới an ninh lương thực, dẫn đến giá phân ure phục hồi ở các quốc gia do sức mua tăng và ổn định từ tuần cuối cùng của tháng 6/2023.
Trong khi đó, nguồn cung bị thu hẹp do các nhà máy sản xuất ở Malaysia, Brunei và Indonesia đang trong quá trình bảo dưỡng. Đồng thời, lượng tồn kho của các hãng sản xuất phân bón ở Trung Quốc đã giảm hơn 75% so với mức 1,16 triệu tấn vào đầu tháng 6/2023. Một số thương nhân kinh doanh phân bón của Trung Quốc còn cho biết Chính phủ Trung Quốc có thể siết chặt hoạt động xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi giá gạo và các loại nông sản chủ chốt đang tăng cao.
Dự báo giá phân ure giao ngay tại các thị trường chủ chốt trên thế giới trong thời gian tới. (Nguồn: Bloomberg, Argus, BVSC)
Tại khu vực Trung Đông, Chính phủ Ai Cập quyết định gia hạn vô thời hạn việc cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt đối với tất cả các nhà sản xuất phân ure tại nước này, ảnh hưởng lớn đến nguồn cung toàn cầu. Trong năm ngoái, Ai Cập chiếm 4% sản lượng sản xuất và 8% sản lượng xuất khẩu Ure toàn thế giới năm 2022. Ngoài ra, việc Ấn Độ có thể đấu thầu mua vào 1 – 1,2 triệu tấn phân ure vào cuối tháng này với giá chào thấp nhất 280 USD/tấn CFR cũng củng cố đà tăng của giá phân bón trên toàn cầu.
Nhiều chuyên gia dự báo giá phân ure thế giới trong thời gian tới sẽ tăng nhẹ theo xu hướng biến động của giá than và khí nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, việc Nga áp đặt hạn ngạch mới ở mức 16,3 triệu tấn cho xuất khẩu phân bón. Trong đó 10,66 triệu tấn hạn ngạch áp dụng cho phân Ure, UAN và AN, có hiệu lực từ ngày 1/6 đến ngày 30/11/2023 cũng là yếu tố có thể khiến giá phân ure tăng trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu thị trường Argus, giá phân ure ở các khu vực chủ chốt trên thế giới dự báo dao động từ 330-380 USD/tấn trong quý 4/2023, tăng 20% so với quý 3/2023.
Xem thêm: "Kỳ vọng biên lợi nhuận của Tập đoàn Hoà Phát (HPG) sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dự báo giá phân ure trong nước sẽ tăng nhẹ khi nhu cầu vào mùa cao điểm
Đối với thị trường trong nước, trong nửa đầu năm nay, nguồn cung phân ure trong nước giảm nhẹ 3% trong khi nhu cầu giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Sản lượng phân bón xuất khẩu giảm 15% còn 680.000 tấn và giảm 43% giá trị xuất khẩu còn 219 triệu USD. Nhập khẩu phân bón cũng lần lượt giảm 7% về lượng và 28% về giá trị, còn 1,6 triệu tấn và 256 triệu USD. Thị trường ghi nhận có tàu ure từ Indonesia và Trung Quốc nhập về Việt Nam nhưng nhu cầu chậm lại tại Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác không được cải thiện gây áp lực giá phân bón nội địa tiếp tục đi xuống.
Hai hãng sản xuất phân ure lớn nhất Việt Nam là Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau đã tăng giá bán phân ure trên thị trường nội địa cũng như giá chào bán đối với các đơn hàng xuất khẩu.
Vào cuối tháng 6/2023, giá phân ure dao động ở mức thấp từ 280 - 290 USD/tấn. Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, nguyên nhân chủ yếu do thị trường phân bón Việt Nam phản ứng chậm trước thông tin đấu thầu nhập khẩu phân ure của Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bảo Việt Securities (BVSC) và một số tổ chức tài chính, nghiên cứu thị trường, giá phân ure trong nước sẽ tăng nhẹ trở lại vào khoảng từ quý 3 đến đầu quý 4 năm nay do cả nước sẽ bước vào cao điểm mùa vụ, nhất là ở phía Bắc sẽ bước vào vụ Đông và vụ Chiêm Xuân - là thời điểm tiêu thụ phân bón lớn nhất trong năm.
Bên cạnh đó, việc giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục sẽ thúc đẩy nông dân mở rộng diện tích canh tác (lúa gạo vốn chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trồng tại Việt Nam), kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu phân bón.
Xem thêm: "Giá phân ure thế giới lên đỉnh 3 tháng, liệu Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ có hưởng lợi?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trên thực tế, từ cuối tháng 7 đến nay, các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đều đã có thông báo điều chỉnh giá bán phân bón tăng theo xu hướng giá thế giới. Cụ thể, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) đã thông báo giá bán ra tại nhà máy tăng lên 10.000 đồng/kg; tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ lên 10.100 đồng/kg, kho trung chuyển miền Trung và miền Bắc lên 10.150 đồng/kg, áp dụng từ 2/8 đến 15/8.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, mã cổ phiếu DPM - sàn HoSE) cũng nâng giá bán phân ure Phú Mỹ tại kho trung chuyển Tây Nam Bộ và miền Trung tăng 700 đồng/kg lên mức 9.900 đồng/kg; tại kho trung chuyển miền Bắc tăng lên mức 9.800 đồng/kg (mua riêng ure).
Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ hiện chiếm khoảng 60% tổng sản lượng phân ure cả nước. Các nhà máy phân bón khác như Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình cũng đã tăng giá bán phân ure.
Tuy nhiên, BVSC lưu ý giá phân ure trong nước sẽ chỉ tăng nhẹ, không thể tạo ra một “cơn sốt” như trong năm 2021 và 2022, trừ khi có biến động địa chính trị bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phân bón sản xuất phân bón cũng hạn chế ra hàng và “cầm chừng” trong việc nhập khẩu.
Ngoài ra, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động trồng trọt trong nước, gây ra tình trạng xâm nhập mặn vào đất liền trong mùa khô (kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) cho khu vực Tây Nam Bộ, gây ảnh hưởng lớn đến diện tích gieo trồng, từ đó tác động đến nhu cầu phân bón. Theo BVSC, hiện tượng El Nino sẽ bắt đầu có ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ phân bón kể từ cuối năm 2023 - thời điểm bắt đầu mùa khô ở khu vực Tây Nam Bộ.
Đáng chú ý, hãng Argus Nitrogen cho biết trước diễn biến giá thế giới phục hồi tốt trở lại và nhu cầu sử dụng có thể tăng lên khi nhiều nước tăng cường đảm bảo an ninh lương thực, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ đã tăng giá chào bán phân ure xuất khẩu lên mức 380 – 390 USD/tấn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm