Thị trường hàng hóa
Giá heo hơi tại hôm nay tại khu vực miền Bắc
Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc tiếp tục giảm trên diện rộng, dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, giá heo hơi tại Yên Bái và Lào Cai cùng xuống mức thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Bắc Giang và Hưng Yên lần lượt giảm 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg, cùng xuống mức 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại giảm 2.000 đồng/kg, cùng xuống mức 52.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên cũng giảm 1.000 đồng/kg tại nhiều nơi, dao động trong khoảng 51.000 - 53.000 đồng/kg.
Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg giá heo hơi tại Đắk Lắk xuống mức thấp nhất khu vực là 51.000 đồng/kg.
Ngoại trừ ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Ninh Thuận duy trì đi ngang, giá heo hơi tại các địa phương còn lại cùng giảm 1.000 đồng/kg xuống giao dịch trong khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam
Giá heo hơi hôm nay tại khu vực miền Nam giảm 1.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 50.000 - 54.000 đồng/kg.
Cụ thể, 51.000 đồng/kg là mức giao dịch được ghi nhận tại Kiên Giang sau khi giảm 1.000 đồng/kg.
Sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá heo hơi tại các địa phương bao gồm Bình Phước, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Tây Ninh và Hậu Giang đều giao dịch ở mức 52.000 đồng/kg.
Thương lái tại các địa phương bao gồm Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp và Tiền Giang cùng giảm mức giá thu mua heo hơi 1.000 đồng/kg, xuống còn 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại các địa phương còn lại ổn định so với ngày hôm qua.
Cùng với đà giảm giá heo hơi trên thị trường, các doanh nghiệp lớn cũng điều chỉnh giảm giá bán. Công ty C.P Việt Nam giảm giá bán heo hơi ở miền Bắc và miền Nam thêm 1.000 đông/kg, về mức 54.000 đồng/kg. Động thái này khiến cho người chăn nuôi lo lắng giá heo hơi sẽ tiếp tục đi xuống trong những ngày tới.
Theo dõi giá heo hơi được cập nhật hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dịch tả lợn, dịch tai xanh tái bùng phát tại nhiều địa phương
Trong những tuần gần đây, nhiều địa phương trên cả nước đã ghi nhận tình trạng dịch tả lợn, dịch tai xanh trên lợn tái bùng phát trở lại, đặc biệt là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Điển hình tại tỉnh Quảng Bình, trong ngày hôm qua (6/10), đã phát hiện hai ổ dịch lớn tại huyện Minh Hoá, làm 467 con lợn bị nhiễm bệnh, ốm, chết, buộc phải tiêu huỷ. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình cảnh báo, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi và dịch tai xanh ở lợn tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn các xã đang có dịch cũng như những vùng lân cận ở Quảng Bình là rất lớn. Nguyên nhân chủ yếu do việc tiêm phòng, phun tiêu độc khử trùng môi trường chưa được bà con quan tâm đúng mức.
Tỉnh Nghệ An cũng vừa ghi nhận tình trạng tái phát dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở hai huyện Diễn Châu và Yên Thành. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Diễn Châu ghi nhận 14 xã tái phát dịch bệnh và hiện còn 4 xã đang xảy ra dịch; tại huyện Yên Thành ghi nhận 9 xã tái phát dịch và hiện còn 5 xã đang có dịch.
Một loạt các tỉnh thành khác như Hà Giang, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Đắk Lắk… cũng ghi nhận dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại các xã, thị trấn, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Xem thêm: "Kỳ vọng gì về triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Dabaco (DBC) những tháng cuối năm?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2023, cả nước phát sinh 38 ổ dịch tả heo châu Phi tại 12 tỉnh, thành phố. Tổng số heo bị tiêu hủy là 528 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 343 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố; tổng số heo bị tiêu hủy là 12.236 con. So với cùng kỳ năm 2022, số ổ dịch giảm 69,18%; số heo phải tiêu hủy tại các ổ dịch giảm 77,03%. Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch thuộc 40 huyện của 14 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Theo đánh giá của một số chuyên gia nông nghiệp, tình trạng dịch bệnh tái bùng phát trở lại đã khiến một bộ phận các hộ chăn nuôi đẩy mạnh bán hàng ra để “chạy dịch”, gây áp lực lên giá trên thị trường trong bối cảnh nhu cầu vẫn chưa phục hồi rõ rệt. Đồng thời, nhiều hộ chăn nuôi lo sợ mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn còn tồn tại nên dè dặt tái đàn, lo ngại càng nuôi thì càng lỗ vì dịch bệnh.
Để phòng ngừa dịch bệnh, các cơ quan chức năng khuyến cao các hộ chăn nuôi cần tăng cường công tác tiêu độc, khử trùng các chuồng nuôi, trang trại, gia trại nuôi đã bị nhiễm bệnh; chính quyền các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, giết mổ, kinh doanh lợn, sản phẩm lợn trên địa bàn xã; tổ chức phun tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi sau khi đã thực hiện vệ sinh cơ giới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm