Thị trường hàng hóa
Châu Âu đã vượt qua mùa Đông 2022/23 một cách nhẹ nhàng với lượng khí đốt dự trữ vẫn đầy hơn nhiều so với bình thường. Khu vực này đang bước vào giai đoạn quan trọng để bổ sung các kho dự trữ và tránh được một cuộc khủng hoảng vào mùa Đông tới.
Tuy nhiên, những nguy cơ từ một năm trước vẫn còn khiến các nhà hoạch định chính sách EU phải thận trọng. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng, châu Âu vẫn phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong năm nay, trừ khi nước này tiếp tục hạn chế tiêu thụ khí đốt.
Các dấu hiệu cho thấy, việc sử dụng khí đốt của ngành công nghiệp - chiếm gần một nửa tổng nhu cầu giảm ở châu Âu vào năm ngoái - đang hồi phục. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs đã cảnh báo rằng, giá khí đốt có thể tăng hơn gấp đôi so với mức hiện tại nếu nhu cầu công nghiệp quay trở lại.
Ông Klaus Mueller - Giám đốc cơ quan quản lý năng lượng Đức Bundesnetzagentur cho biết, chúng tôi không thể loại trừ khả năng thiếu khí đốt trong mùa đông tới. Các yếu tố rủi ro gồm mùa đông 2023/24 có thể rất lạnh, các hộ gia đình và công ty không tích trữ đủ khí đốt.
Ngoài ra, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, cũng cần tính đến trường hợp hạ tầng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không hoạt động như kế hoạch và các quốc gia láng giềng đề nghị Berlin hỗ trợ nguồn cung.
“Rủi ro lớn nhất là thời tiết. Chúng ta không thể trông đợi mùa đông sắp tới không quá lạnh. Khi nhiệt độ xuống thấp, nhiều hộ gia đình lập tức dừng tiết kiệm. Trong tháng 10/2022, họ tiết kiệm hơn 20% khí đốt và con số này chỉ còn 7% vào tháng 12” - ông Klaus Mueller lưu ý.
Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) cho hay, sẽ mở rộng cơ chế giới hạn giá khí đốt đối với tất cả các trung tâm giao dịch ở Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1/5 tới nhằm ngăn chặn nguy cơ bất ổn tiềm tàng trên thị trường năng lượng châu Âu.
Theo EC, động thái này có thể tạo “lá chắn” giúp ngăn chặn tình trạng giá khí đốt tăng cao và không ổn định, đồng thời giúp tránh được nguy cơ bất ổn tiềm tàng từ việc chỉ áp dụng với trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan.
Trước đó, tháng 12/2022, các nước EU đã nhất trí mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh sau các cuộc đàm phán kéo dài về việc điều chỉnh giá khí đốt vốn đã tăng lên các mức cao kỷ lục do ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine.
Theo cơ chế điều chỉnh này, mức giới hạn giá trên được kích hoạt khi giá khí đốt hợp đồng tương lai vượt quá mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp trên sàn giao dịch TTF. Cơ chế giới hạn giá khí đốt được áp dụng mang tính chất tạm thời, và có hiệu lực đến tháng 1/2024.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12kg.
Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12kg và giảm 217.500 đồng/bình 45kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12kg và 1.567.670 đồng/bình 45kg.
Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12kg.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm