Thị trường hàng hóa
Giá gas tiếp tục giữ mức trên 2 USD/mmBTU do nhu cầu thấp, thời tiết ấm hơn làm giảm lượng khí đốt để sưởi ấm nhà cửa của người dân và doanh nghiệp.
Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky mới đây đã đề xuất một kế hoạch bao gồm việc hạn chế tất cả các nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Liên minh châu Âu (EU) ngoại trừ những nguồn qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine.
Đồng thời, cũng khuyến nghị nên đóng cửa đường ống dẫn khí TurkStream, cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch được cho là của một nhóm chuyên gia quốc tế do Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraina Andrey Yermak và cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul dẫn đầu.
“Chúng ta cần chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga tới EU, ngoại trừ các dòng chảy trực tiếp qua hệ thống vận chuyển khí đốt của Ukraine, nơi có khả năng vận chuyển dồi dào” - Văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu rõ.
Trước cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã cung cấp gần 40% lượng khí đốt mà các nước EU tiêu thụ, chủ yếu thông qua mạng lưới đường ống. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi cuối tháng 2/2022, Nga đã cắt giảm phần lớn nguồn cung khí đốt tự nhiên qua châu Âu.
Đặc biệt, việc cung cấp cũng bị ảnh hưởng bởi vụ phá hoại đường ống Nord Stream, một trong những tuyến đường chính dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu. Nguồn cung cấp khí đốt của Nga hiện chiếm khoảng 10% lượng tiêu thụ của toàn khối.
Theo theo phân tích mới từ McKinsey, việc ngừng nhập khẩu hoàn toàn từ Nga có thể làm tổng nguồn cung khí đốt đến châu Âu giảm đi 25 tỷ m3. Ngoài ra, sự gia tăng nhu cầu LNG của châu Á có thể làm nguồn cung giảm thêm 35 tỷ m3. Trong khi đó, một mùa đông lạnh hơn có thể thúc đẩy nhu cầu khí đốt của châu Âu thêm 15 tỷ mét khối.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng gần 57% các nhà sản xuất EU sẽ không thể giảm mức tiêu thụ khí hơn nữa trong khi vẫn duy trì sản lượng trong 2 năm tới. Điều này chỉ ra, các biện pháp hạn chế khí đốt tiếp theo có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế EU.
Cũng theo báo cáo của McKinsey, ngay cả khi châu Âu đáp ứng các mục tiêu RePowerEU của mình để giảm mức tiêu thụ khí đốt và cải thiện hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà và ngành công nghiệp, giá khí đốt biến động và khả năng gián đoạn nguồn cung vẫn gây rủi ro cho nhiều ngành kinh tế.
Nếu châu Âu có thể duy trì và đẩy nhanh một số biện pháp giảm nhu cầu khí đốt, thị trường có thể sẽ duy trì trạng thái cân bằng mà không có sự tăng đột biến về giá trong những năm tới.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12 kg và giảm 217.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12 kg và 1.567.670 đồng/bình 45 kg.
Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm