Thị trường hàng hóa
Tập đoàn khí đốt lớn nhất của Nga - Gazprom mới đây thông báo lợi nhuận ròng năm ngoái giảm hơn 40%, còn 1.226 tỷ ruble (15,7 tỷ USD). Nguyên nhân là Nga tăng thuế dầu khí nửa cuối năm 2022.
Năm ngoái, phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt lên Nga và các công ty quốc doanh nước này do chiến dịch quân sự tại Ukraine. Xuất khẩu khí đốt của Gazprom không bị trừng phạt trực tiếp. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu cũng giảm một nửa, còn 101 tỷ m3 năm 2022.
Reuters cho rằng 2023 có thể khó khăn hơn, do giá khí đốt trên thế giới đã giảm. Số khí đốt họ giao đến châu Âu hiện cũng ít hơn nhiều so với đầu năm ngoái.
Khi phương Tây hạn chế mua khí đốt Nga, Gazprom gần đây chuyển hướng sang thị trường châu Á. Tập đoàn này cho biết họ đã lập kỷ lục về lượng khí đốt cung cấp hàng ngày cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia.
Trong khi đó, Ukraine cho biết nước này đang tiếp tục bơm khí đốt vào các cơ sở chứa ngầm để dự trữ 9,3 tỷ m3 khí đốt cho mùa rét 2023-2024. Lượng khí đốt trong các cơ sở chứa trong nước tăng hơn 28 triệu m3/ngày.
Trước đó, vào tháng 4, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko cho biết Ukraine có triển vọng thiết lập một trung tâm lưu trữ khí đốt lớn của châu Âu trên lãnh thổ của mình.
"Một trong những mục tiêu chính của chúng tôi là lập nên một trung tâm năng lượng lớn ở Ukraine, đặc biệt là để lưu trữ khí đốt của các quốc gia châu Âu" - ông Herman Galushchenko nói, đồng thời chia sẻ, Ukraine có một trong những cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, có khả năng lưu trữ hơn 30 tỷ m3 khí đốt. Hiện nay, Ukraine sẵn sàng cung cấp cho các đối tác châu Âu lượng khí đốt lưu trữ dưới lòng đất lên tới 15 tỷ m3.
Tuy nhiên, RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Al-Kaabi cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đã may mắn khi trải qua một mùa đông ấm áp, điều này giúp họ thoát khỏi một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Song, EU vẫn chưa đối mặt với điều tồi tệ nhất nếu như khối thiếu sự đầu tư vào khai thác dầu mỏ và khí đốt.
“Sẽ xảy ra tình trạng thiếu khí đốt trầm trọng trong tương lai, chủ yếu là do quá trình thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ở các nước phương Tây. Sự ổn định về kinh tế và trách nhiệm với môi trường không loại trừ lẫn nhau, chúng ta vẫn có thể đạt được hai mục tiêu cùng lúc” - ông Saad Al-Kaabi nhấn mạnh.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ quay đầu tăng nhẹ kể từ 1/5 sau 2 tháng liên tiếp giảm mạnh. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 3 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4) và 2 lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 này.
Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 5/2023 tại thị trường Hà Nội là 406.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.626.300 đồng/bình công nghiệp 48 kg, lần lượt tăng 1.360 đồng/bình 12 kg và 5.340 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam Miền Nam tăng 167 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương 2.000 đồng/bình 12 kg và 7.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Giá gas bán lẻ tối đa là 420.000 đồng/bình 12 kg, khoảng 1.575.000 đồng/bình 45 kg, áp dụng từ ngày 1/5.
Tương tự, Công ty Saigon Petro (gas SP) cũng tăng giá 2.000 đồng/bình 12 kg nhưng giá bán lẻ tối đa là 401.000 đồng/bình.
Nguyên nhân giá gas trong nước tăng nhẹ là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 5/2023 ở mức 555 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với tháng 4 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức tăng tương ứng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm