Thị trường hàng hóa
Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho khả năng nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga bị gián đoạn trong năm 2023. Các kế hoạch dự phòng đã sẵn sàng và EU sẽ không quá lệ thuộc vào một nguồn cung duy nhất.
EU đã ký những thỏa thuận đoàn kết. Điều này có nghĩa, những quốc gia thành viên sẽ hỗ trợ những nước láng giềng của họ trong trường hợp thiếu khí đốt tự nhiên. Bên cạnh đó, vào ngày 30/3, Hội đồng Liên minh châu Âu chính thức thông qua quy định kéo dài mục tiêu tự nguyện giảm 15% nhu cầu khí đốt cho đến cuối tháng 3/2024.
EU cũng đưa cảnh báo về nguy cơ thiếu khí đốt “trầm trọng” vào mùa đông tới, do tình trạng nguồn cung thắt chặt và khả năng Nga cắt hoàn toàn dòng chảy khí đốt. Mặc dù vậy, bà Kadri Simson - Ủy viên châu Âu về năng lượng cho biết, nhập khẩu LNG từ Nga là điều “không cần thiết”.
Vào năm trước, những công ty mua LNG của Nga chủ yếu là những quốc gia chưa có hệ thống đường ống dẫn kết nối đến Nga. Vì vậy, họ không bị ảnh hưởng trực tiếp từ vấn đề thiếu hụt khí đốt vận chuyển qua đường ống dẫn.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cho hay, Nga sẽ tăng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc gần 50% trong năm nay trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh hợp tác năng lượng với Bắc Kinh.
Moscow đã cung cấp 15 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho Trung Quốc trong năm 2022 và cam kết tăng lượng cung cấp lên 22 bcm trong năm nay. Trong 2 năm tới, nguồn cung cấp qua đường ống dẫn khí Power of Siberia (Sức mạnh Siberia) sẽ đạt công suất tối đa 38 bcm mỗi năm.
Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý, Moscow đã từ bỏ đồng USD và đồng euro trong giao dịch năng lượng với Bắc Kinh. Theo đó, hầu hết các thỏa thuận về dầu, khí đốt và các nguồn tài nguyên khác được thực hiện bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng ruble của Nga.
Trung Quốc hiện đang nhận phần lớn khí đốt của Nga thông qua đường ống Sức mạnh Siberia, là một phần của cái gọi là Tuyến đường phía Đông. Nga và Trung Quốc còn dự kiến bắt đầu thi công đường ống dẫn khí đốt thứ hai có tên Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) vào năm 2024.
Tại thị trường trong nước, giá gas bán lẻ trong nước từ 1/4 giảm mạnh nhất kể từ đầu năm tới nay. Cụ thể, so với tháng 3, mỗi bình gas loại 12 kg đến tay người tiêu dùng giảm từ 58.000-62.000 đồng, loại 45 kg giảm khoảng 220.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/4, giá gas của công ty này sẽ giảm 62.000 đồng/bình 12kg, tương đương mức giảm 5.167 đồng/kg (đã bao gồm VAT). Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 399.000 đồng/bình 12 kg.
Tương tự, các sản phẩm gas bán lẻ của City Petro giảm 4.833 đồng/kg. Như vậy, bình gas loại 12kg của doanh nghiệp này đến tay người tiêu dùng giảm 58.000 đồng/bình.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam cũng cho biết, kể từ ngày 1/4, giá gas của công ty giảm 4.833 đồng/kg (đã bao gồm VAT) tương đương giảm 58.000 đồng/bình 12 kg và giảm 217.500 đồng/bình 45 kg so với tháng trước. Như vậy, giá bán lẻ gas của thương hiệu này đến người tiêu dùng là 417.912 đồng/bình 12 kg và 1.567.670 đồng/bình 45 kg.
Nguyên nhân giá gas trong nước quay đầu giảm mạnh là do giá gas thế giới tháng 4 chốt ở mức 550 USD/tấn, giảm 180 USD/tấn so với tháng 3. Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước đã có 3 lần giảm và 1 lần tăng vào đầu tháng 2. Trước đó, trong tháng 3/2023, giá cũng đã giảm 16.000 đồng/bình 12 kg.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm