Thị trường hàng hóa
Theo dữ liệu từ Cơ quan Hạ tầng Khí đốt châu Âu (GIE), nỗ lực cắt giảm nhu cầu khí đốt đã đưa dự trữ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU) đạt 95% công suất vào giữa tháng 11, gần mức cao nhất mọi thời đại. Ngoài ra, việc EU nhập khẩu LNG nhiều chưa từng thấy cũng là một nhân tố quan trọng giúp củng cố dự trữ.
Nhưng khi thời tiết chuyển lạnh hơn trong những tuần gần đây làm gia tăng nhu cầu khí đốt để sưởi ấm, mức dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm còn 84%. Cùng với đó, giá khí đốt cũng tăng lên.
Giá khí đốt tăng cao là gánh nặng đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp ở châu Âu, nhưng đồng thời cũng cho phép khu vực này hút được một lượng LNG kỷ lục nhờ chênh lệch giá lớn so với mức giá mà khách mua từ các khu vực khác sẵn sàng trả để mua.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine vào ngày 24/2, Qatar trở thành một trong những nhà sản xuất khí đốt chính trên thế giới cùng với Mỹ và Australia. Ba quốc gia này chiếm gần 60% xuất khẩu khí đốt thế giới.
Đồng thời, Qatar chính là nhà cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai, sau Mỹ cho EU. Qatar có thỏa thuận cung cấp khí đốt với Đức, Italy, Pháp cùng nhiều nước thuộc EU khác, và đang ngày càng được nhiều quốc gia khác chú ý.
Với tỷ trọng xuất khẩu khí đốt sang EU lên tới 16%, Qatar cho rằng đây có thể là một "lá bài" để mặc cả với "lục địa già". Tuy nhiên theo Nhật báo Le Monde, EU có thể phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Qatar, nhưng khối này không đến mức phải quá lo ngại nếu "nguồn van" này bị đóng.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ký một sắc lệnh cấm Gazprom và các công ty con thực hiện giao dịch với các nhà đầu tư "không thân thiện" cho đến ngày 1/10/2023.
Lệnh cấm áp dụng cho các khoản thanh toán cho khí đốt tự nhiên, khí ngưng tụ và các dịch vụ liên quan đến sản xuất tại một số mỏ của Nga. Theo sắc lệnh, trong vòng 10 ngày tới, Chính phủ Nga sẽ ấn định giá trần mua và khai thác các sản phẩm khí đốt từ các mỏ này.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/12 giá gas tiếp tục tăng. Theo đó, trung bình mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng tăng từ 13.000-14.000 đồng, loại 45kg tăng 52.000-53.000 đồng/bình, tùy thương hiệu, so với tháng trước.
Cụ thể, Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP.Hồ Chí Minh (Saigon Petro) thông báo, từ ngày 1/12, giá bán gas SP tăng 1.083 đồng/kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức tăng 13.000 đồng/bình 12kg. Giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng loại bình gas 12kg của thương hiệu này là 438.000 đồng/bình 12kg.
Thương hiệu gas City Petro cũng thông báo từ 1/12, các sản phẩm của thương hiệu gas này tăng 7.000 đồng/bình 6kg, 14.000 đồng/bình 12kg, 52.500 đồng/bình 45kg và 58.500 đồng/bình 50kg.
Với mức tăng này, giá bán lẻ của gas City Petro đến tay người tiêu dùng không vượt quá mức 259.500 đồng/bình 6kg, 461.500 đồng/bình 12kg, 1.730.500 đồng/bình 45kg và 1.922.000 đồng/bình 50kg.
Tại Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam chi nhánh miền Nam, từ 1/12, giá gas của công ty này tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng hơn 52.500 đồng/bình 45kg. Như vậy, giá gas bán lẻ của công ty này đến tay người tiêu dùng là hơn 442.000 đồng/bình 12 kg, còn bình 45kg là hơn 1.660.000 đồng/bình.
Giá gas Petrolimex bán lẻ tại thị trường Hà Nội từ 1/12 tăng 13.200 đồng/bình 12kg và tăng 52.800 đồng/bình 48kg (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Vì vậy, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng tương ứng là 440.900 đồng/bình dân dụng 12kg; 1.763.600 đồng/bình công nghiệp 48kg.
Theo thông báo của Công ty Cổ phần Kinh doanh Khí Miền Nam (Gas South), từ ngày 1/12, giá gas bán lẻ của thương hiệu này tăng 1.167 đồng/kg gas so với tháng trước (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng), tương đương tăng 14.000 đồng/bình 12kg và tăng 52.515 đồng/bình 45kg.
Chi hội Gas miền Nam cho biết, giá hợp đồng nhập khẩu (CP) trên thế giới được ấn định cho tháng 12 là 650 USD/tấn, tăng 40 USD/tấn so với tháng trước đó. Trước tình hình giá gas thế giới tăng đã kéo theo giá gas bán lẻ trong nước tăng và trong giai đoạn cận Tết 2023 nhu cầu tiêu dùng tăng cao.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm