Thị trường hàng hóa
Từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước thông báo điều chỉnh giảm giá. Mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg và 60.000 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12kg và 1.784.670 đồng/bình 45kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Còn tại thị trường khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ đã "lao dốc không phanh", do dự báo thời tiết ít lạnh hơn và nhu cầu sử dụng năng lượng thấp hơn so với dự kiến trước đó. Vào rạng sáng ngày 23/3 giảm 3,92% xuống còn 2,256 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên.
Trong 3 tuần qua, giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn của Mỹ đã giảm khoảng 5%. Không chỉ giảm giá, sản lượng khí đốt tự nhiên vào những tháng đầu năm nay cũng giảm, khiến một số công ty năng lượng giảm số lượng giàn khoan mà họ đang sử dụng để khoan khí đốt. Tính riêng trong tháng 1/2023 giảm 40%.
Refinitiv dự báo, nhu cầu khí đốt của Mỹ, bao gồm cả xuất khẩu sẽ giảm từ 116,9 bcfd trong tuần này xuống 108,0 bcfd vào tuần tới.
Các thành viên OPEC+ cho rằng, sự suy yếu về giá năng lượng trong tuần này là do tác động từ thị trường tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào.
Rủi ro lây lan giữa các ngân hàng khiến các nhà đầu tư lo ngại, hạn chế nhu cầu đối với các tài sản như hàng hóa, vì họ lo ngại một đợt giảm giá tiếp theo có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu và cắt giảm nhu cầu dầu mỏ.
Các biện pháp ổn định lĩnh vực ngân hàng, bao gồm việc UBS mua lại Credit Suisse và thỏa thuận của các ngân hàng trung ương lớn tăng cường thanh khoản sẽ làm dịu những lo ngại về hệ thống tài chính toàn cầu.
Ông Robert DiDona - Nhà phân tích của Energy Ventures - cho biết, nỗ lực của các nhà giao dịch để đẩy giá tới 2 USD/mmBTU đã dẫn đến việc mua bù thiếu, vì không có đủ các yếu tố giảm giá để biện minh cho sự sụt giảm đó.
Ông DiDona đánh giá thêm, nhu cầu hiện nay tương đối ổn định, sẽ tìm thấy một số lợi ích bên giá thầu trong thời gian ngắn dựa trên triển vọng thời tiết và điều gì sẽ tốt hơn cho nhu cầu LNG những tuần tới.
Trong một diễn biến khác, nước Úc - quốc gia cạnh tranh với Qatar và Mỹ với tư cách là nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới đã tạm thời hạn chế giá khí đốt và than trong nước trong 12 tháng (kể từ tháng 12/2022) để hạn chế giá cả tăng vọt.
Ông Andrew Thornton - Giám đốc điều hành của nhà sản xuất điện Origin Energy - chia sẻ: Công ty có 27,5% cổ phần trong dự án LNG của Úc Thái Bình Dương. Ông tự tin chính phủ hiểu quan điểm của ngành và mọi rủi ro đối với đầu tư.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm