Thị trường hàng hóa
Nhìn chung, giá khí đốt của châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, với mức giảm khoảng 66% trong năm nay, giúp đảo ngược tình trạng lạm phát gia tăng và hạ chi phí cho người tiêu dùng.
Trang Bloomberg đưa tin, giá khí đốt ở châu Âu có thể giảm xuống dưới 0, điều này sẽ xảy ra nếu nhu cầu giảm không theo kịp với tình trạng dư thừa nguồn cung ngày càng tăng ở khu vực này.
Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt tại các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã lấp đầy khoảng 66%. Các bể chứa của Đức - quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu, hiện đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%. Một số chuyên gia dự đoán, các kho dự trữ khí đốt sẽ được lấp đầy trước mùa hè này.
Nhà phân tích Martijn Rats của Morgan Stanley nhận định, châu Âu có khả năng nạp đầy 100% công suất cho các kho dự trữ khí đốt để đáp ứng nhu cầu trong mùa đông - ngay cả khi nguồn cung của Nga giảm xuống bằng 0.
Ông Gyorgy Vargha, Giám đốc điều hành của công ty thương mại Thụy Sĩ MET International cho biết, nếu mọi việc tiếp tục diễn ra theo chiều hướng này, chúng tôi sẽ lấp đầy kho khí đốt khá sớm trong mùa hè, vào tháng 9 hoặc tháng 10. Sau đó tất cả phụ thuộc vào việc mùa đông đến sớm như thế nào.
Trong khi đó, vào tháng 8/2022, giá khí đốt tương lai của EU đã đạt mức cao kỷ lục 345 Euro (380 USD) cho mỗi megawatt giờ (MWh) sau khi phần lớn nguồn cung từ của Nga bị cắt giảm do lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, do khí hậu mùa đông ôn hòa, nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ ở các nước và nhu cầu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) yếu của Trung Quốc đã khiến giá khí đốt giảm xuống mức hiện tại.
Georg Zachmann, một thành viên cấp cao của tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) cho rằng, thông tin giảm giá là một tin tuyệt vời đối với châu Âu và cho thấy rằng, việc tăng nhập khẩu LNG cũng như nhu cầu khí đốt giảm đã nhanh chóng tái cân bằng thị trường châu Âu.
Chi phí năng lượng giảm giúp xoa dịu triển vọng lạm phát và là cơ sở cho phép các ngân hàng trung ương giảm tốc độ tăng lãi suất. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng, giá khí đốt vẫn có thể tăng đột biến trong trường hợp các nhà máy LNG ngừng cung cấp hoặc các đường ống dẫn khí đốt của Nga ngừng hoạt động hoàn toàn. Thậm chí, trong trường hợp có những đợt nắng nóng vào mùa hè này với tốc độ gió thấp, việc sản xuất điện gió có thể bị đình trệ, sẽ đẩy nhu cầu khí đốt tự nhiên tăng cao.
Ngày 1/6, giá gas trong nước được các doanh nghiệp kinh doanh gas đồng loạt giảm trên cơ sở giá thế giới - giá hợp đồng contract price (CP). Cụ thể, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 6 tại thị trường Hà Nội là 371.600 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.486.300 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 33.640 đồng/bình 12 kg và 134.660 đồng/bình 48 kg.
Công ty CP Kinh doanh LPG Việt Nam - PV GAS LPG Miền Nam giảm 2.917 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình 12kg và 131.250 đồng/bình 45kg so với tháng 5.
Công ty TNHH khí hóa lỏng Việt Nam (VT Gas) giảm 2.916 đồng/kg (đã bao gồm GTGT) tương đương 35.000 đồng/bình12kg và 131.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 5.
Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (gas SP) giảm 2.958 đồng/kg (đã bao gồm thuế GTGT), tương đương giảm 35.500 đồng/bình 12kg và 133.110 đồng/bình 45 kg so với tháng 5.
Giá gas bán lẻ quay đầu giảm là do hợp đồng giá gas thế giới bình quân tháng 6 ở mức 445 USD/tấn, giảm 110 USD/tấn so với tháng 5 nên doanh nghiệp trong nước thực hiện điều chỉnh theo mức giảm tương ứng.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá gas trong nước có 4 lần giảm (tháng 1, tháng 3, tháng 4, tháng 6) và hai lần tăng vào tháng 2 và tháng 5 vừa qua.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm