Thị trường hàng hóa
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, nhu cầu khí đốt tự nhiên của châu Âu đã giảm nhiều nhất trong lịch sử vào năm 2022, với mức giảm tương đương với lượng khí đốt cần thiết để cung cấp cho hơn 40 triệu hộ gia đình.
IEA cho biết thêm, việc bổ sung năng lượng mặt trời và năng lượng gió đã giúp giảm nhu cầu khí đốt, nhưng giá khí đốt cao kỷ lục vào mùa hè năm 2022 cũng dẫn đến nhiều ngành bị cắt giảm và mức tiêu thụ của các ngành, doanh nghiệp thấp hơn.
Tuy nhiên các nhà phân tích của IEA cũng khẳng định, mức độ mà giá cao sẽ dẫn đến việc giảm nhu cầu vĩnh viễn trong các lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt vẫn chưa rõ ràng.
Trong ngành công nghiệp của châu Âu, việc sử dụng khí đốt đã giảm 25 bcm, tương đương khoảng 25% vào năm 2022, do cắt giảm sản xuất và chuyển đổi nhiên liệu trong bối cảnh các ngành sử dụng nhiều năng lượng là những ngành đầu tiên ứng phó với cú sốc giá khí đốt vào năm ngoái.
Ông Eli Rubin - Nhà phân tích của EBW - cho hay, nhu cầu khí đốt từ các nhà máy xuất khẩu đã ổn định ở mức gần 13 Bcf/ngày vào cuối tuần qua (tức là ở giữa mức kỷ lục trên 14,1 Bcf/ngày và mức thấp nhất của tuần trước là 12,2 Bcf/ngày).
Trong một diễn biến khác, nhiều dự án xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ được đưa vào hoạt động trên toàn thế giới vào giữa thập kỷ này. Điều này có thể gây cạnh tranh với năng lượng tái tạo chi phí thấp và ngành điện hạt nhân đang hồi sinh có thể làm rung chuyển giá khí đốt, ảnh hưởng đến một số dự án được đề xuất.
Các nhà máy LNG mới được đề xuất và phê duyệt sẽ thúc đẩy nguồn cung LNG tăng 67% lên 636 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030 từ mức năm 2021, có khả năng bão hòa thị trường khí đốt.
Phát biểu trong một sự kiện mới đây, giám đốc điều hành của nhà xuất khẩu LNG Cheniere Energy chia sẻ: Hơn một nghìn tỷ đô la cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên đang được xây dựng trên thế giới. Có một sự thay đổi thế tục và khí đốt tự nhiên sẽ ở đây để duy trì.
Tại thị trường trong nước, từ ngày 1/3, nhiều doanh nghiệp kinh doanh gas đã thông báo điều chỉnh giảm giá. Mỗi bình gas loại 12kg đến tay người tiêu dùng giảm trung bình 16.000 đồng, loại 45kg giảm 60.000 đồng/bình, tùy thương hiệu.
Cụ thể, giá gas của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro) từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Với mức giảm này, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng là 461.000 đồng/bình 12kg.
Công ty Cổ phần Kinh doanh LPG Việt Nam Chi nhánh miền Nam, từ ngày 1/3 giảm 16.000 đồng/bình 12kg và 60.000 đồng/bình 45kg. Giá gas bán lẻ của LPG Việt Nam đến người tiêu dùng tối đa là 475.912 đồng/bình 12kg và 1.784.670 đồng/bình 45kg.
Giá bán lẻ gas của City Petro từ ngày 1/3 cũng giảm 16.000 đồng/bình 12kg. Theo đó, từ ngày 1/3, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng của thương hiệu gas City Petro ở mức 494.500 đồng/bình 12kg và 1.854.000 đồng/bình 45kg.
Tương tự, giá gas bình Petrolimex bán lẻ (đã bao gồm VAT) tháng 3/2023 tại thị trường Hà Nội là 464.700 đồng/bình dân dụng 12 kg; 1.858.600 đồng/bình công nghiệp 48kg, lần lượt giảm 15.800 đồng/bình 12 kg và 63.400 đồng/bình 48 kg (đã bao gồm VAT).
Do nguồn cung nội địa mới chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ nên giá gas trong nước vẫn phụ thuộc vào diễn biến thế giới. Giá gas thế giới bình quân tháng 3/2023 chốt hợp đồng ở mức 730 USD/tấn, giảm 60 USD/tấn so với tháng 2 nên các doanh nghiệp kinh doanh trong nước cũng điều chỉnh giảm theo.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm