Thị trường hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thông tin về giá đường thế giới bất ngờ lập kỷ lục trong vòng 12 năm, mặt hàng này của Việt Nam bắt đầu "nóng" trở lại. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này?
Giá đường thế giới tăng không do cung cầu, hiện nay đường vẫn đang trong tình trạng thừa cung. Tuy nhiên, có một số yếu tố khác ngoài yếu tố cung cầu do các dự báo trước đây tại một số quốc gia sản xuất đường cao hơn so với con số thực tế hiện nay nên việc thừa cung giảm đi.
Mặt khác, động thái gần đây về thị trường dầu, các nhà sản xuất dầu đang có ý định nâng giá dầu lên bằng cách giảm sản lượng dầu. Tại Brazil, các nhà máy của họ có thể hoặc là sản xuất cồn nhiên liệu hoặc là đường. Khi đó, mía đưa vào sản xuất cồn nhiên liệu ở Brazil sẽ hiệu quả hơn là làm đường. Dẫn đến rủi ro hay mối nguy có thể Brazil dừng mía và chuyển sang sản xuất đường. Tuy nhiên, việc này mới dừng ở việc “có thể” vì vụ mía tại Brazil tháng 5 này mới bắt đầu.
Vì vậy, những động thái gần đây đối với giá đường thế giới chỉ là do các quỹ đầu cơ họ mua khống, bán khống tạo giá tăng, chứ thực chất không do yếu tố cung cầu.
Đối với thị trường Việt Nam cũng sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định do hiện nay có một lượng đường rất lớn đang nằm trên thị trường là đường nhập lậu, xuất xứ từ Thái Lan. Khi giá đường quốc tế lên thì giá đường nhập lậu cũng lên khiến cho hoạt động kinh doanh đường nhập lậu bớt lãi đi. Cộng thêm với việc trong khoảng 1 tháng trở lại đây, lực lượng chức năng kiểm soát đường nhập lậu ráo riết. Những yếu tố này làm cho đường giá rẻ trong nước bớt đi. Tuy nhiên, cũng chỉ khoảng 2 - 3 tuần nay các nhà máy đường trong nước mới bắt đầu bán được đường sản xuất từ mía.
Giá đường tăng, giá mía thu mua trong dân thế nào, thưa ông?
Giá thu mua mía của các nhà máy cho nông dân cao từ đầu vụ. Mấy tháng nay, các nhà máy như “ngồi trên chảo lửa”, bởi lẽ, giá mía thu mua thì cao mà đường sản xuất ra không bán được. Nếu bán theo giá trước đây thì bán lỗ.
3 năm liên tục, giá thu mua mía cho nông dân đều tăng. Năm ngoái, giá mía đã cao kỷ lục, năm nay tiếp tục tăng, điều này đồng nghĩa với việc giá mía đứng ở mức kỷ lục mới. Giá mía Việt Nam cao hàng đầu khu vực châu Á.
Hiện, giá mía nguyên liệu trong nước đang dao động từ 850.000 - 1.150.000 đồng/tấn tùy thuộc khu vực, cao hơn so với niên vụ năm trước 20.000 đồng/kg.
Ông vừa chia sẻ, giá mía doanh nghiệp thu mua trong dân đang tăng cao kỷ lục, đâu là nguyên nhân thưa ông?
Nguyên nhân là do nhưng năm trước đây giá đường lậu chỉ bằng tiền mía khiến các nhà máy không thể nào mua được giá mía cao được. Giá mía thấp, nông dân không lãi hoặc lãi ít, dẫn đến bỏ trồng mía.
2 - 3 năm gần đây, một mặt, ngành đường kêu gọi sự hỗ trợ và đặc biệt là nhờ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại, đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ các nước ASEAN, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam đã giảm rõ rệt.
Sau khi có những động tác phòng vệ thương mại, các nhà máy cố gắng nâng thu mua giá mía để phục hồi lại sản xuất. Đây là nguyên nhân khiến giá mía tăng cao, và hiện giá mía đang đứng mức cao nhất trong vòng 5 - 6 năm gần đây.
Ông có dự báo như thế nào về vụ mía đường năm nay?
So với các nước sản xuất đường từ mía xung quanh chúng ta như Indonesia, Philipines, Trung Quốc (chỉ trừ mỗi Thái Lan), thì hiện nay giá đường của Việt Nam đang thấp nhất. Trong khi giá mía của chúng ta đang cao hơn Indonesia, Philipines và chỉ thấp hơn một chút so với Trung Quốc.
Cụ thể, tháng 3/2023, giá đường kính trắng tại Quảng Tây (Trung Quốc) phổ biến mức 21.213 đồng/kg, còn tại Manila (Philippine), giá đường kính trắng bình quân ở mức 39.025 đồng/kg; tại Java (Indonesia) giá đường kính trắng bình quân ở mức 20.306 đồng/kg. Trong khi đó, giá đường kính trắng tháng 3/2023 tại Việt Nam hiện phổ biến ở mức 17.400 – 18.300 đồng/kg.
Cả nước hiện còn khoảng 25 nhà máy đường đang hoạt động, con số này ngang bằng với năm ngoái và thấp hơn con số 41 nhà máy của những năm trước đó.
Hiện nay, hoạt động của các nhà máy đường lãi suất không có nhiều. Giá đường tăng, doanh nghiệp nâng giá mía lên, cộng với sản lượng sản xuất tăng thì các nhà máy “dễ thở” hơn. Tuy nhiên, ý đồ là vậy, nhưng việc thực hiện không dễ.
Trong chuỗi mía – đường này, nếu giá đường thấp quá thì rất khó cho các nhà máy. Chính vì vậy, triển vọng của ngành đường hiện nay đang vẫn nhiều thách thức. Làm sao để có thể kiểm soát được đường nhập lập. Nâng cao hiệu quả của công cụ phòng vệ thương mại. Khi đó, ngành đường mới có thể sống được một cách công bằng so với các nước khác.
Xin cám ơn ông!
Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) đã đưa ra dự báo tích cực cho ngành mía đường cả nước trong niên vụ 2022-2023. Cụ thể, diện tích mía sản xuất trong niên vụ 2022-2023 dự kiến đạt khoảng trên 151.300 héc ta, tăng 3% so với cùng kỳ; sản lượng mía đưa vào ép đạt gần 8,8 triệu tấn, tăng 16,5% và sản lượng đường được sản xuất đạt gần 871.000 tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ. |
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm