Thị trường hàng hóa
Căng thẳng nguồn cung sẽ giữ giá dầu thô ở mức cao
Sau khi dao động chủ đạo quanh vùng giá 72-86 USD/thùng trong suốt 8 tháng đầu năm, giá dầu thô Brent đã bật tăng từ đầu tháng 9/2023 lên vùng 94 USD/thùng. Mức tăng này là do căng thẳng nguồn cung khi mà Arab Saudi thông báo sẽ duy trì việc cắt giảm tự nguyện 1 triệu thùng mỗi ngày đến cuối tháng 12/2023 để tiếp tục hỗ trợ giá dầu. Kế hoạch này ban đầu được dự định sẽ kết thúc vào cuối tháng 9/2023.
Nga cũng cam kết duy trì việc giảm sản lượng 300.000 thùng/ngày trong cùng khoảng thời gian. Cam kết này đưa tổng cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ lên 4,96 triệu thùng/ngày (khoảng 5% tổng nhu cầu toàn cầu) vào tháng 10/2023.
Trong tuần đầu của tháng 10/2023, giá dầu thô trên thị trường kỳ hạn đã chịu áp lực điều chỉnh mạnh, xuống còn quanh mức 85 USD/thùng trong những ngày đầu của tháng 10/2023 khi giới đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương lớn sẽ neo lãi suất ở mức cao, tác động tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu.
Tuy nhiên, với việc xung đột quân sự giữa Israel và Palestine vừa bùng phát ở quy mô chưa từng thấy trong vòng 50 năm qua, giá dầu thô đã bật tăng vọt trở lại. Thị trường hiện lo ngại đợt bùng phát xung đột lần này có thể tác động đến dòng chảy dầu thô của một số quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới như Saudi Arabia và Iran.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hiện dự báo giá dầu Brent trung bình Q4/2023 dự kiến sẽ duy trì quanh ngưỡng 93 USD/thùng, đưa giá trung bình cả năm 2023 lên mức 84 USD/ thùng và 88 USD/ thùng cho năm 2024. Mức dự phóng này cũng tương đồng với dự phóng từ 42 nhà kinh tế học và phân tích do Reuters khảo sát hồi tháng 9/2023 với 84 USD/ thùng cho năm 2023 và 86,45 USD/ thùng cho năm 2024.
Theo dõi giá xăng dầu hàng ngày trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá dầu thô sẽ tác động như nào đến các doanh nghiệp niêm yết?
Tác động của việc giá dầu thô lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí, phân bón niêm yết thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) sẽ phụ thuộc chủ yếu vào đặc điểm kinh doanh của mỗi đơn vị.
Theo đánh giá mới đây của các chuyên gia phân tích từ hãng Chứng khoán ACB (ACBS), việc giá dầu thô tăng cao sẽ có “tác động nhanh” lên kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, GAS). Do công thức tính giá bán ra của PV GAS được neo theo giá dầu FO và dầu thô Brent; trong khi đó, giá khí đầu vào của một phần sản lượng lại được thả nổi theo giá dầu FO và một phần (chiếm khoảng 60-65% tổng sản lượng đầu vào) được tính theo giá cố định cộng thêm mức tăng 2%/ năm. Như vậy, PV GAS có khả năng hưởng biên lợi nhuận gộp cao hơn.
Giá dầu thô tăng cao có thể chỉ “tác động mức trung bình” đến kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX). Hai doanh nghiệp này chủ yếu hưởng lợi bởi tồn kho giá thấp do phải duy trì hàng tồn kho ít nhất 20 ngày theo quy định. Giá bán xăng dầu tại Việt Nam hiện phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu quốc tế và có mối tương quan thuận chiều chặt chẽ với giá dầu Brent.
Mức độ hưởng lợi của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) sẽ “có độ trễ từ 06 - 12 tháng”. Do các hợp đồng thuê giàn khoan thường được ký hợp đồng 06 tháng - 12 tháng. Giá dầu thô cũng cần duy trì ở ngưỡng cao trong một thời gian mới thúc đẩy việc triển khai các dự án dầu khí, dẫn đến các nhu cầu về giàn khoan, dịch vụ xây lắp, và các dịch vụ bổ trợ.
Xem thêm: "Điều gì khiến 6 tổ chức cùng lúc gom mua cổ phiếu PVD - PV Drilling?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong khi đó, việc giá dầu thô tăng cao được nhận định sẽ “tác động trung tính” đến hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu Khí Cà Mau (DCM) và Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM). Cụ thể, giá khí đầu vào của hai doanh nghiệp này sẽ tăng lên do được neo theo giá dầu FO và giá dầu Brent cộng với chi phí vận chuyển.
Trong khi giá bán đầu ra không chỉ phụ thuộc vào giá dầu tăng lên, mà còn phụ thuộc vào tình hình cung - cầu trên thị trường. Đối với thị trường nội địa, giá phân bón Trung Quốc (phần lớn sử dụng than làm nguyên liệu đầu vào nên có giá thành rẻ hơn) là yếu tố cạnh tranh chủ yếu đối với hai doanh nghiệp phân bón trên.
Nhìn chung việc giá dầu thô tăng cao có tác động tích cực lên nhóm doanh nghiệp dầu khí niêm yết, trong khi không tác động nhiều tới nhóm doanh nghiệp phân bón niêm yết thuộc Petrovietnam.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm