Thị trường hàng hóa
Theo thống kê từ số liệu của Tổng cục Hải quan, quý I/2023, Việt Nam nhập khẩu gần 130,46 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 271,36 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, nhập khẩu thịt trâu, thịt heo, thịt bò có xu hướng giảm; trong khi nhập khẩu thịt gia cầm tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, giá gia cầm trong nước vẫn đứng ở mức thấp trong một thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng, các sản phẩm gia cầm nhập khẩu đang ồ ạt vào nước ta, kể cả đường chính ngạch và tiểu ngạch là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá gia cầm trong nước.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), với sản phẩm gà lông màu, nông dân và doanh nghiệp đang chịu lỗ khoảng 6.000 - 8.000 đồng/kg; gà lông trắng lỗ khoảng 5.000 đồng/kg. Tỷ suất lợi nhuận của ngành chăn nuôi gia cầm đang ở rất thấp, thậm chí hai năm vừa qua xuống mức âm.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - lại cho rằng, hiện tỷ lệ nhập khẩu thịt gia cầm chính ngạch (không tính đến nhập lậu) so với tổng lượng thịt gia cầm của Việt Nam không lớn, không vượt quá 10%, thậm chí có những năm chỉ 5 - 7%. Do đó, khó có thể kết luật rằng thịt gia cầm nhập khẩu ảnh hưởng đến giá thịt gia cầm trong nước.
Vấn đề cốt yếu ở đây chính là nội tại sản xuất của ngành chăn nuôi gia cầm trong nước đang rất ít chuỗi. Không sản xuất theo chuỗi thì đồng nghĩa với việc thiếu chủ động và cung và cầu luôn luôn bị mất cân đối. “Với cách sản xuất không theo kế hoạch, làm theo phong trào, khi nào đắt thì nuôi nhiều, lúc nào rẻ thì nuôi ít sẽ dẫn đến tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá”, ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ.
Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng ảnh hưởng cực kỳ lớn đến chuỗi cung toàn cầu. Chi phí logistics tăng, kéo theo giá nguyên liệu thức ăn tăng từ 30 - 40%, trong khi ngành chăn nuôi của chúng ta phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu (hơn 80% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài). Điều này đồng nghĩa với việc đẩy giá thành cao. Trong khi đó, giá bán ra lại không thể tăng cao như tốc độ tăng của giá thức ăn chăn nuôi.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Văn Trọng đề cập đến đó là khi dịch tả heo châu Phi xảy ra năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khi đó khuyến khích và đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ. Tuy nhiên, gia súc ăn cỏ không phải là một năm, hay 6 tháng có thể tăng đàn. Trong khi đó, gia cầm tăng đàn rất nhanh, có những năm tăng trên 10% là việc bình thường. Ví dụ như gà công nghiệp, gà lông trắng chỉ khoảng 35 ngày (5 tuần) là đã có sản phẩm.
Trong bối cảnh tổng đàn vẫn tăng, trong khi thời gian vừa qua, thu nhập của người dân rất thấp, nhất là giai đoạn trước Tết, nhiều doanh nghiệp chỉ duy trì công ăn, việc làm chỉ khoảng 50%, khiến sức mua giảm rất nhiều, dẫn đến nguồn cung dư thừa rất nhiều.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp vẫn mới chỉ tập trung làm khâu giống. Đây là khâu cho thu lợi nhuận cao nhất. Tuy nhiên, họ chỉ biết bán cho hộ chăn nuôi, còn để kệ họ “sống chết mặc bay”. “Mấy bữa nay, giá giống gia cầm xuống còn có 2.000 - 5.000 đồng/con, như vậy, thì chết người chăn nuôi”, ông Nguyễn Văn Trọng nói.
“Sức mua vẫn là yếu tố quyết định nhất. Thời gian gần đây, du lịch tăng trở lại, nhu cầu có phần tăng lên đã giúp đẩy giá bán sản phẩm gia cầm tăng lên. Trong nhiều năm tôi theo dõi, nhập khẩu gia cầm chính ngạch không ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước”, ông Nguyễn Văn Trọng chia sẻ.
Tập quán của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng vẫn sử dụng dạng thịt tươi ngay sau khi giết mổ (thịt nóng) hoặc ăn thịt mát là chính, trong khi đó, nhập khẩu lại chủ yếu là thịt đông lạnh và dùng để chế biến.
Mặt khác, thói quen tiêu dùng thích ăn đùi hơn lườn gà của người Việt Nam dù giá trị dinh dưỡng lườn gà cao gấp 3 lần. Điều này giúp đùi gà nhập khẩu có chỗ đứng. Trong khi đó, việc thay đổi tập quán, thói quen của người tiêu dùng không thể trong ngày một, ngày hai.
Việt Nam là một trong những nước có tổng đàn gia cầm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm lúc này là giá bán các sản phẩm, đặc biệt là gà - vật nuôi chiếm hơn 81% tổng đàn gia cầm, vẫn đang ở mức thấp. Người chăn nuôi không sống được với nghề.
Câu hỏi đặt ra lúc này là giải pháp nào cho ngành chăn nuôi gia cầm? Ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng, bên cạnh việc kiểm soát chặt sản phẩm gia cầm nhập lậu, với sản phẩm chính ngạch việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật một cách hợp lý và phù hợp thông lệ quốc tế là cần thiết.
Bởi trong bối cảnh thị trường mở với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, thị trường Việt Nam cũng giống như thị trường thế giới. Điều này đồng nghĩa hàng hóa thế giới sẵn sàng vào thị trường Việt Nam. Việc này không riêng gì sản phẩm chăn nuôi mà còn nhiều ngành khác.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là củng cố nội lực của ngành chăn nuôi gia cầm. Sản xuất cần phải theo chuỗi. Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải liên kết ngang lại với nhau thành tổ hợp tác, hợp tác xã, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể chủ động về đầu vào, đầu ra, hạ giá thành sản phẩm, có các sản phẩm đồng đều và cạnh tranh. Trong chuỗi này, doanh nghiệp phải đứng vị trí trọng tâm. Doanh nghiệp làm giống cũng phải làm theo chuỗi, khi doanh nghiệp bán con giống cho bà con thì cũng phải có kế hoạch thu mua sản phẩm đầu ra.
Đây không còn là một câu chuyện xa vời của ngày mai mà nó cần sớm được bắt đầu. Chỉ khi đó, ngành chăn nuôi gia cầm mới đứng vững trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, chiếm lĩnh thị trường nội với 100 triệu dân và hơn 10 triệu khách du lịch, cũng như mở rộng xuất khẩu. Đây cũng là cách tốt nhất để ngành chăn nuôi gia cầm phát triển bền vững.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm