Thị trường hàng hóa
Hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions dự báo giá gạo trên thị trường quốc tế sẽ duy trì quanh mức cao hiện nay cho đến năm 2024 trong bối cảnh thị trường thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng.
Cụ thể, trong niên vụ 2022/2023, thị trường gạo toàn cầu dự kiến thiếu hụt nguồn cung lên tới 8,7 triệu tấn. Đây là niên vụ thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng nhất kể từ niên vụ 2003/2004 - thời điểm thị trường thiếu hụt tới 18,6 triệu tấn gạo.
Hãng nghiên cứu nhấn mạnh tình trạng giá gạo cao cùng với nguồn cung căng thẳng sẽ tác động mạnh đến tình hình kinh tế và an ninh lương thực tại nhiều quốc gia khu vực châu Á - nơi tiêu thụ đến 90% lượng gạo trên toàn cầu và khu vực châu Phi – nơi dễ tổn thương trước các biến động giá lương thực.
Tình trạng căng thẳng nguồn cung xuất phát từ việc sản lượng lúa gạo tại nhiều quốc gia trong thời gian vừa qua giảm đáng kể dưới tác động của hình thái thời tiết cực đoan, khiến các nước này phải hạn chế xuất khẩu hoặc gia tăng nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.
Trong đó, tình trạng hạn hán lịch sử đã khiến Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, phải cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế suất xuất khẩu nhiều loại gạo lên đến 20% từ tháng 9/2022 nhằm đảm bảo nguồn cung gạo nội địa. Ấn Độ hiện vẫn chưa có kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế xuất khẩu gạo này.
Tương tự, lũ lụt nghiêm trọng tại Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 4 thế giới, đã khiến sản lượng gạo của nước này trong năm 2022 giảm 31%. Qua đó, giảm nguồn cung gạo từ Pakistan ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, tình trạng giá một số loại ngũ cốc, đặc biệt là lúa mì, tăng vọt dưới tác động của cuộc xung đột quân sự Nga – Ukraine đã khiến nhiều nước tăng cường nhập khẩu gạo hơn. Các yếu tố trên diễn ra cùng lúc đã khiến tình trạng căng thẳng nguồn cung trở nên nghiêm trọng, đẩy giá gạo liên tục tăng từ đầu năm đến nay. Giá gạo xuất khẩu của một số quốc gia hiện đang ở mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây.
Hiện nhiều quốc gia vốn phụ thuộc vào nguồn cung gạo từ bên ngoài đã chủ động đẩy mạnh nhập khẩu. Điển hình, Philippines - quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ thế giới vừa cho biết sẽ nhập khẩu 330.000 tấn gạo để bù đắp thâm hụt dự kiến của kho dự trữ quốc gia. Nếu không tăng lượng dự trữ, lượng tồn kho gạo của Philippines vào cuối năm nay dự kiến chỉ đáp ứng đủ nhu cầu trong vòng 45 ngày.
Tình trạng thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá bán lẻ gạo tại quốc gia này tăng ít nhất 15% từ đầu năm đến nay. Dự báo Philippines sẽ cần nhập khẩu 3,7 triệu tấn gạo trong năm nay, tương đương với mức nhập khẩu năm ngoái.
Trước đó, vào đầu tháng này, Indonesia thông báo nước này sẽ cần nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm nay nhằm ứng phó với rủi ro hạn hán xảy ra do hiện tượng El Nino. Theo một số đánh giá, lượng gạo dự trữ của Indonesia hiện nay đang ở mức thấp đáng báo động và giá gạo bán lẻ tại nước này liên tục tăng do nguồn cung thiếu hụt.
Indonesia cho biết trước mắt nước này sẽ nhập khẩu gấp 500.000 tấn gạo nhằm bình ổn giá gạo trong nước và nhập khẩu dần số gạo còn lại theo từng giai đoạn tuỳ thuộc vào nhu cầu trên thị trường nội địa, nguồn cung và giá cả của các nước cung cấp.
Fitch Solutions nhận định thị trường gạo thế giới sẽ trở lại trạng thái cân bằng trong niên vụ 2023/2024 khi sản lượng gạo tại nhiều nước phục hồi. Dự báo tổng sản lượng gạo niên vụ 2023/2024 sẽ tăng 2,5% so với niên vụ 2022/2023, với động lực chính đến từ Ấn Độ.
Trong quý I/2023, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,85 triệu tấn gạo với tổng trị giá đạt 981,3 triệu USD, tăng hơn 23% về khối lượng và tăng hơn 34% về kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nhận định tình hình xuất khẩu gạo quý II/2023 của Việt Nam sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, dự báo giá gạo xuất khẩu vẫn duy trì ở mức cao do ảnh hưởng của những bất ổn về kinh tế, chính trị và nhu cầu dự trữ lương thực của các quốc gia tăng lên. Trong khi đó nguồn cung gạo từ Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm