Thị trường hàng hóa
Thông thường, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ khi nền kinh tế rơi vào tình trạng “nước sôi lửa bỏng” và sẽ dừng hoặc giảm tốc tăng lãi suất khi tình hình dần dần nguội đi. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ những năm 1980, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại.
Fed dường như chậm trễ trong việc phản ứng với lạm phát tăng vọt, nhấn mạnh rằng các vấn đề chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 chỉ là "nhất thời". Mặc dù giá cả bắt đầu tăng vào tháng 3/2021, Fed chỉ bắt đầu tăng lãi suất một năm sau đó, đầu tiên là 25 điểm cơ bản, sau đó là 50 và trong ba cuộc họp vừa qua, tăng 75 điểm cơ bản - động thái khẩn cấp có hiệu quả.
Đã 19 tháng trôi qua kể từ khi lạm phát của Mỹ đạt mục tiêu đưa ra của Fed là 2%. Cụ thể, chi phí ăn uống, khí đốt và chỗ ở đã tăng chóng mặt, và trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 9,1%, cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Quyết định tăng lãi suất ở mức mạnh nhất trong vòng 28 năm qua của Fed được đưa ra cùng thời điểm với số liệu thống kê cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này đã giảm 0,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đến chủ yếu từ giá năng lượng tăng kỷ lục.
Bất chấp những dấu hiệu cho thấy lạm phát hiện có thể đã lên đến đỉnh điểm - CPI đã hạ xuống mức 8,3% vào tháng 8 - Fed cho biết họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi “quái vật” lạm phát được chế ngự.
Việc Fed tiếp tục lập trường diều hâu đã dấy lên lo ngại rằng các biện pháp đó có thể khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Daragh Maher, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Châu Mỹ tại ngân hàng HSBC, nói với DW: “Sự thật là không ai có thể chắc chắn về mức độ rõ ràng và nguy hiểm của suy thoái kinh tế ở Mỹ.
Nhưng, lạm phát càng cứng đầu chứng tỏ nguy cơ suy thoái càng lớn".
Trong khi đó, ông cho rằng tăng trưởng yếu không phải là "tác dụng phụ có thể chấp nhận được của cuộc chiến lạm phát này", mà là "một yếu tố cần thiết".
Thật vậy, các nhà hoạch định chính sách đang lo sợ về viễn cảnh lạm phát đình trệ: sự kết hợp của tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát cao kéo dài từng thấy trong những năm 1970 và đầu những năm 80.
Một số nhà phân tích đã đặt câu hỏi liệu cách tiếp cận tình hình của Fed có giống với năm 1979 khi Chủ tịch Fed Paul Volcker đè bẹp lạm phát bằng một loạt các đợt tăng lãi suất lịch sử nhưng lại châm ngòi cho một cuộc suy thoái kéo dài hai năm, trong đó tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ lên tới 10%.
Theo đánh giá của cựu chuyên gia kinh tế Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Maurice Obstfeld, tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng lãi suất sẽ gia tăng rủi ro cho các nền kinh tế bởi chính sách tiền tệ của các ngân hàng sẽ tác động lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền và “xuất khẩu lạm phát” ra nước ngoài.
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết việc Fed “tung” chính sách thắt chặt tiền tệ cùng với Ngân hàng Trung ương Anh và Ngân hàng Trung ương châu Âu là một "canh bạc khôn ngoan" có thể phản tác dụng một cách nguy hiểm.
UNCTAD cho biết lý do lạm phát cao không phải do nhu cầu hàng hóa và dịch vụ dư thừa mà nhiều hơn là do các vấn đề thương mại kéo dài, cùng với giá thực phẩm và năng lượng tăng.
Đồng thời, ngân hàng HSBC lưu ý lập trường diều hâu của Fed đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm “một nơi trú ẩn an toàn” bằng đồng USD.
Trong năm qua, đồng tiền của Mỹ đã mạnh lên so với hầu hết các loại tiền tệ khác, điều này đã làm trầm trọng thêm lạm phát ở phần còn lại của thế giới khi nhiều hàng hóa, bao gồm cả dầu thô, được định giá bằng USD tăng vọt.
Ông Maher cho biết: “Sự suy yếu quá mức của tiền tệ có thể tạo ra những áp lực khác, ví dụ như đối với hàng nhập khẩu. Ông nói thêm: "Một số quốc gia, bao gồm cả ở châu Âu, đã chứng kiến cán cân thương mại xấu đi" trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, tất nhiên, trong tương lai "sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất, ngay cả khi lạm phát giảm nhiệt".
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm