Thị trường hàng hóa
Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (mã cổ phiếu IMP - sàn HoSE) vừa có thông báo về việc sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu vào ngày 18/9 tới đây. Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/9.
Dược phẩm Imexpharm sẽ phát hành thêm hơn 77 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1 (100%), tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu IMP sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới. Qua đó, vốn điều lệ của Dược phẩm Imexpharm sẽ tăng gấp đôi, lên mức 1.540 tỷ đồng.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Dược phẩm Imexpharm đã trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 20%, gồm 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.
Với câu chuyện tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, cổ phiếu IMP đã có đà tăng ngoạn mục, gần 90%, kể từ đầu năm đến nay. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này ngày 6/9, thị giá cổ phiếu IMP đạt 97.000 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất lịch sử niêm yết của Dược phẩm Imexpharm; qua đó, giá trị vốn hoá thị trường của công ty đạt gần 7.500 tỷ đồng.
Dược phẩm Imexpharm được thành lập vào năm 1997, tiền thân là một đơn vị cấp phát thuốc cấp II tại tỉnh Đồng Tháp. Hiện công ty sở hữu 3 nhà máy đạt chuẩn EU-GMP với 11 dây chuyền sản xuất EU-GMP. Năm 2020, công ty đón SK Group, tập đoàn gia đình “chaebol” lớn thứ 2 của Hàn Quốc, làm cổ đông chiến lược.
Hiện SK Group đang là cổ đông lớn nhất, chi phối 47,67% vốn điều lệ của Dược phẩm Imexpharm. Ngoài ra, Dược phẩm Imexpharm còn có 3 cổ đông lớn khác là Tổng Công ty Dược Việt Nam (nắm giữ 22,03% cổ phần), Công ty Cổ phần Đầu tư Bình Minh Kim (nắm giữ 9,75% cổ phần), và Công ty Cổ phần Đầu tư KBA (nắm giữ 7,37% cổ phần).
Xem thêm: “Chaebol” lớn thứ 3 Hàn Quốc muốn gia tăng sở hữu lên mức 65% tại Dược phẩm Imexpharm (IMP) trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Xét về kết quả kinh doanh, luỹ kế nửa đầu năm nay, Dược phẩm Imexpharm ghi nhận tổng doanh thu 1.008 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 19%, còn 128 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Dược phẩm Imexpharm cho biết, kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, do thị trường OTC (ngoài bệnh viện) tăng trưởng chậm khiến sản lượng sản xuất của Nhà máy IMP1 giảm. Đồng thời, Nhà máy IMP4 chính thức đi vào hoạt động từ quý 2/2023 kéo theo chi phí khấu hao và vận hành tăng.
Năm 2024, Dược phẩm Imexpharm đặt mục tiêu doanh thu 2.365 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng; lần lượt tăng 19% và 12% so với năm trước. Như vậy, công ty mới hoàn thành 38% kế hoạch cả năm sau 6 tháng.
Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm, đây sẽ là năm thứ ba liên tiếp, Dược phẩm Imexpharm lập kỷ lục lợi nhuận.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm