Thị trường hàng hóa
Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên (mã cổ phiếu RTB - sàn UPCoM) vừa thông báo chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 22% vào ngày 8/10/2024, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu sẽ được nhận 2.200 đồng cổ tức.
Đây là mức cổ tức cao nhất kể từ khi cổ phiếu RTB được giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2016. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là ngày 8/11.
Với gần 88 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Cao su Tân Biên phải chi 193,5 tỷ đồng để trả cổ tức. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) dự kiến nhận được hơn 190 tỷ đồng nhờ việc sở hữu 98,46% vốn điều lệ tại công ty này.
Cao su Tân Biên là doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức đều đặn hàng năm bằng tiền mặt trong số các đơn vị thành viên của Cao su Việt Nam, tỷ lệ cổ tức thường dao động từ 4 - 19%.
Trong bối cảnh giá cao su diễn biến thuận lợi, Cao su Tân Biên ghi nhận doanh thu thuần đạt 492 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 261 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay, lần lượt tăng 26% và 46% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 76% kế hoạch doanh thu và 114% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Về phía công ty mẹ là Cao su Việt Nam, trong nửa đầu năm nay, tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 9.238 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.584 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, hoàn thành 37% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh nửa cuối năm của Cao su Việt Nam, nhiều hãng chứng khoán nhận định hoạt động xuất khẩu cao su của tập đoàn sẽ tăng trưởng tích cực nhờ hưởng lợi trực tiếp từ sự gia tăng về cả giá bán lẫn nhu cầu cao su trong thời gian tới.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, bình quân giá xuất khẩu cao su của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay đạt 1.551 USD/tấn, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023, chạm mức cao nhất 2 năm trở lại đây.
Xem thêm: "Giá cao su xuất khẩu lên cao nhất 2 năm, kỳ vọng Cao su Việt Nam (GVR) hưởng lợi lớn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Giá xuất khẩu cao su dự kiến có thể tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, chủ yếu do sự thiếu hụt nguồn cung. Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) ước tính thị trường toàn cầu sẽ thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trong năm nay.
Trong đó, tại Ấn Độ - Top 5 quốc gia sản xuất cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, đang thiếu hụt nghiêm trong nguồn cao su nội địa và buộc phải đẩy mạnh nhập khẩu, khiến tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn.
Ngoài ra, nguồn cung từ Thái Lan - nước xuất khẩu cao su tự nhiên hàng đầu thế giới cũng đang suy giảm do tác động từ thiên tai và các hộ cao su tiểu điền bỏ vườn.
Trong khi đó, nhu cầu thu mua cao su thường sẽ tăng lên vào cuối năm sau khi các khách hàng dự phóng tình hình kinh doanh cho năm tiếp theo. Giai đoạn nửa cuối năm nay sẽ là thời điểm chính để xác định biến động giá cao su trong vòng 12 tháng tới (nửa cuối năm 2024 - nửa đầu năm 2025). Do đó, giá cao su có thể sẽ neo cao xuyên suốt từ nay cho đến nửa đầu năm 2025.
Do đặc tính của cây cao su, việc khai thác cao su sẽ diễn ra mạnh từ tháng 3 - 12 hàng năm, do đó quý 2 trở đi mới là thời điểm sản lượng của Cao su Việt Nam đạt đỉnh, mở ra dư địa tăng trưởng kết quả kinh doanh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm