Thị trường hàng hóa
Mặc dù thị trường du lịch nội địa có nhiều khởi sắc và là một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại sau mùa dịch Covid-19, nhưng Việt Nam lại có tỷ lệ phục hồi ngành du lịch thấp nhất so với các nước trong vùng. 18,1% là con số quá thấp bé so với tỷ lệ phục hồi du lịch đạt mức 26% đến 31% của các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm nay ước đạt 3,5 triệu lượt, chỉ đạt 70% so với mục tiêu đề ra.
Một số thị trường truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc còn chưa mở cửa, cộng thêm các yếu tố về địa chính trị, suy thoái kinh tế là nguyên nhân khách quan khiến dòng khách từ châu Âu bị hạn chế. Tuy nhiên, rất nhiều “điểm nghẽn”, “nút thắt”, tạo nên rào cản cho việc đón khách quốc tế chính là nguyên nhân chủ quan, dẫn đến thực trạng này.
Không ít du khách quốc tế vào Việt Nam đã phải than phiền rằng chính sách visa, với nhiều thủ tục rườm rà, không minh bạch khiến họ gặp rất nhiều khó khăn. Điều này gây vô vàn phiền toái đối với du khách quốc tế, khi họ mong muốn có kỳ nghỉ dài ngày tại Việt Nam. Nhưng đến nay, quy định này vẫn không hề có sự điều chỉnh.
Bà Đào Thị Nga - Trưởng bộ phận Kinh doanh khách sạn Little Charm Hanoi Hostel nói: "Việc đầu tiên, là câu hỏi chung của hàng nghìn khách đến với Việt Nam sau Covid gặp rất nhiều rắc rối trong vấn đề họ muốn gia hạn visa để ở nhiều hơn so với visa mà họ được cấp là 15 ngày thì hiện tại, chính sách của nhà nước là chỉ cho gia hạn visa là 15 ngày.
Nếu khách hàng muốn ở lại thêm thì bắt buộc khách phải ra khỏi Việt Nam, bay đi một nước nào đó và quay trở lại. Như vậy rất bất tiện cho khách hàng, làm cho họ phải sử dụng thêm nhiều chi phí cho đường bay, thời gian họ đi nghỉ, tham quan bị cắt đoạn nên họ sẽ không vui".
Du lịch Việt Nam mong muốn đón nhiều du khách nhưng nhiều khách quốc tế đã chuyển hướng lựa chọn đi du lịch đến các nước khác ở trong khu vực mà họ không cần phải xin cấp visa. Điển hình như Thái Lan, đã miễn visa du lịch cho 65 nước, với thời hạn lưu trú 30 đến 45 ngày, thậm chí có thể tới 90 ngày và được ra vào nhiều lần.
Trong khi đó, đến thời điểm này, Việt Nam vẫn chỉ miễn visa cho 24 quốc gia, với thời gian lưu trú là 15 ngày và ra vào 1 lần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia du lịch, muốn gỡ khó cho du lịch thì cải thiện thị thực là chưa đủ. Cần phải có góc nhìn tổng thể tất cả các khía cạnh, bao gồm công tác truyền thông, quảng bá, vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ cũng như nguồn nhân lực.
Để tháo gỡ những rào cản và hạn chế còn tồn tại trong việc mở cửa đón khách quốc tế, ông Nguyễn Công Hoan - Trưởng Ban Truyền thông và Chuyển đổi số - Hiệp hội du lịch Việt Nam đề xuất một số giải pháp: "Hiện nay, đầu tiên chúng ta phải đa dạng hóa thị trường, không tập trung những thị trường truyền thống nữa mà cần mở rộng những thị trường mới, là những thị trường có nền kinh tế ổn định, khả năng chi trả của du khách cao. Thứ 2 là những thị trường thuận lợi về đường bay đến Việt Nam. Thứ 3 là những thị trường đấy không có những đối thủ cạnh tranh nhiều.
Yếu tố tiếp theo là vấn đề visa. Vì nếu xác định được thị trường nhưng không có biện pháp xúc tiến thị trường, khuyến khích khách đến với Việt Nam thì cũng chỉ là tiềm năng thôi. Mà hình thức tốt nhất hiện nay là tạo thuận lợi hóa về visa bằng việc mở cửa visa, miễn visa hoặc tăng thời gian lưu trú của du khách hoặc những hình thức khác làm sao thuận lợi nhất cho du khách".
Trong năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải từng bước gỡ bỏ những rào cản gây cản trở hoạt động đón khách. Đồng thời, cần phải có kế hoạch rõ ràng từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến các chính sách tổng thể, đặc biệt là tháo gỡ điểm nghẽn lớn nhất là visa.
Việc khắc phục những khó khăn, tận dụng các cơ hội và phát triển đồng thời du lịch quốc tế và du lịch nội địa sẽ góp phần tạo động lực cho sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Với những bước đi thiết thực tin chắc du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm