Thị trường hàng hóa
Mới đây, kết quả từ một khảo sát do Công ty tư vấn nhân lực ECA International (Anh) thực hiện cho thấy, lạm phát tăng cao có thể gây ra sự sụt giảm lớn về tiền lương thực tế vào năm 2023. Chỉ 37% các quốc gia trên toàn cầu kỳ vọng tiền lương thực tế sẽ tăng lên trong năm 2023.
Theo đó, tiền lương thực tế là tiền lương đã được điều chỉnh theo tốc độ tăng của giá cả. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do lạm phát tăng cao ăn mòn vào tiền lương mà người lao động nhận được.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là châu Âu, nơi trung bình tăng trưởng tiền lương thực tế tính bằng tiền lương danh nghĩa trừ đi lạm phát hiện đang âm 1,5%. Tại Anh, nếu so với con số được khảo sát vào năm 2000, người lao động nước này đang đối mặt với những con số tệ nhất.
Cụ thể, bất chấp tiền lương danh nghĩa tăng 3,5%, sau khi trừ đi lạm phát (lên tới 9,1%) thì tiền lương thực tế lại giảm tới 5,6%. Tiền lương ở Anh được dự báo sẽ còn giảm thêm 4% trong năm 2023.
Tại Mỹ, tiền lương thực tế cũng giảm 4,5% trong năm nay. Bước sang năm 2023, những yếu tố như sức mạnh đồng USD, các chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và sự độc lập tương đối về nguồn năng lượng được kỳ vọng sẽ đẩy lạm phát Mỹ về mức 3,5%, là động lực để lương thực tế tại đây tăng thêm 1%.
Ngược lại, các quốc gia châu Á đang dẫn đầu nhóm quốc gia có tiền lương tăng trưởng tốt nhất, chiếm tới 8 trong số 10 nước có tốc độ tiền lương tăng nhanh. Trong danh sách này, Ấn Độ hiện đang dẫn đầu với mức tăng trưởng 4,6%.
Việt Nam đứng thứ hai trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng tiền lương thực tế cao nhất với con số 4%. Mức tăng trưởng lương thực tế này bất chấp mức lạm phát được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo khoảng 3,9% vào năm 2023. Tiếp theo là Trung Quốc 3,8%, còn Brazil (3,4%) và Arab Saudi (2,3%) chiếm hai vị trí còn lại trong top 5.
Tốc độ tăng lương thực tế trên toàn châu Á dự kiến vào khoảng 1,3% trong năm 2023, giảm 0,3% so với năm 2021. Trong khi đó, tiền lương thực tế của người lao động toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,5% vào năm sau.
Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam, Malaysia và Thái Lan được kỳ vọng có tốc độ tăng tiền lương thực tế vào năm 2023 cao hơn so với 2022 khi quá trình phục hồi sau đại dịch tiếp tục và lạm phát giảm. Theo ông Lee Quane, Giám đốc khu vực châu Á của ECA International, người lao động tại nhiều nước ASEAN sẽ chứng kiến tiền lương thực tế tăng trong cả năm 2022 và 2023.
Đặc biệt, những người lao động tại Việt Nam sẽ hưởng lợi từ tốc độ tăng lương thực tế cao thứ hai trong khu vực vào năm 2022 và được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Ngoài ra, người lao động tại Malaysia và Indonesia cũng sẽ hưởng lợi từ tốc độ tăng lương ổn định.
Khảo sát của ECA chỉ ra, tiền lương thực tế trên toàn cầu đã giảm 3,8% trong năm 2022. Công ty dự báo, năm 2023 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn cho người lao động, chỉ 1/3 quốc gia được khảo sát dự kiến tiền lương thực tế sẽ tăng. Dù vậy, tình hình vẫn khả quan hơn mức 22% vào năm nay.
Tại Việt Nam, trong phiên họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ ngày 19/11, Ban cán sự đảng Chính phủ đã trình hội nghị Trung ương 6 khóa XIII điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 lên 1,8 triệu đồng (tương đương mức tăng 20,8%). Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, động thái này nhằm khắc phục tình trạng công chức, viên chức thôi việc thời gian qua.
Lần điều chỉnh tăng lương cơ sở áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức gần nhất là từ 1/7/2019, tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng. Theo đó, công chức trình độ đại học mới đi làm (hưởng lương bậc 1 với hệ số 2,34) sẽ nhận lương 3.486.600 đồng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm