Thị trường hàng hóa
Đó là thông tin được đưa ra trong “Báo cáo kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố vào sáng 26/4, tại Hà Nội. Đây là báo cáo đầu tiên về kinh tế Việt Nam do OECD và ADB thực hiện.
Tăng trưởng ấn tượng trong 3 thập kỷ
Nói về hoàn cảnh ra đời của báo cáo trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Thực hiện phân công của lãnh đạo Chính phủ, từ tháng 5/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trao đổi với OECD và ADB về Báo cáo Kinh tế Việt Nam do OECD và ADB xây dựng.
Sau gần 1 năm thực hiện, các bộ, ngành Việt Nam đã gửi tới vài chục lượt văn bản góp ý, bản thân các bộ, ngành cũng kỳ vọng nhiều vào quá trình hợp tác với OECD và ADB, đặc biệt là mong muốn lắng nghe những đánh giá, kiến nghị khách quan, “có giá trị” từ phía OECD và ADB.
Trình bày khát quát những nội dung chính của báo cáo, ông Vincent Koen - Phó Vụ trưởng OECD cho rằng: Kinh tế Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong suốt 3 thập kỷ qua, từ những năm 1990 đến năm 2019 với tốc độ tăng trưởng gần 7%.
“Đây là điều mà ít quốc gia trên thế giới đạt được” - ông Vincent Koen nhấn mạnh và cho biết thêm, hiện Việt Nam đã hội nhập vào kinh tế toàn cầu, tham gia tích cực vào ASEAN, tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân theo đầu người đã tăng trưởng tích cực, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh.
Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu và tác động mạnh đến nến kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong kiểm soát dịch bệnh, sớm mở cửa nền kinh tế. Theo đó, năm 2020, trong khi nhiều quốc gia trên thế giới phải đối mặt với mức tăng trưởng âm, thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt gần 3%, đây là một mức tăng trưởng tốt trên thế giới. Đặc biệt, mức tăng trưởng dương tiếp tục được Việt Nam duy trì vào năm 2021 và năm 2022.
Bước sang năm 2023, ông Vincent Koen cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, OECD vẫn dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 và 6,6% trong năm 2024. Mức tăng trưởng này được đánh giá cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới.
Mặc dù đánh giá tích cực về tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 và 2024, nhưng báo cáo của OECD cũng chỉ ra những thách thức mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Những thách thức này liên quan đến nguy cơ già hoá dân số nhanh giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, cùng với đó quá trình công nghiệp hoá tại Việt Nam diễn ra nhanh cũng làm tăng lao động chính thức và biến đổi khí hậu cũng đang là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trước mắt và dài hạn.
Cùng với đó, chuyên gia của OECD cũng cho rằng, những diễn biến khó lường của kinh tế thế giới liên quan đến dịch bệnh Covid-19, xung đột tại Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát, tăng trưởng thấp…. cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Giải pháp để Việt Nam đạt mức tăng trưởng bền vững
Đánh giá cao về những phân tích đưa ra trong báo cáo của OECD về kinh tế Việt Nam trong năm 2023, đồng thời coi đây là tài liệu giá trị đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách. Tuy nhiên, phát biểu tại lễ công bố, nhiều đại diện các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao vẫn kiến nghị đại diện OECD, ADB đưa ra những gợi ý để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, bền vững hơn trong thời gian tới.
Liên quan đến kiến nghị này, đại diện OECD cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cao và bền vững hơn trong giai đoạn tới, Việt Nam có thể tập trung vào phát triển nền kinh tế số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo thuận lợi hơn cho khu vực doanh nghiệp hoạt động; tăng cường hợp tác quốc tế và tạo thuận lợi để khu vực doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng với đó, Việt Nam cũng cần có những chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn nữa đối với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng ADB cho rằng: Việt Nam cần tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Bởi hiện Việt Nam đang là nền kinh tế nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư về lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, có rất nhiều nguồn lực từ bên ngoài đang muốn hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuy nhiên để một bộ, ngành nào đó tiếp cận được nguồn lực này cũng phải mất một thời gian, nên vấn đề khả năng hấp thụ vốn là rất quan trọng, thể chế của Việt Nam cần tạo ra những điều kiện để hấp thụ được nguồn lực này.
Ngoài ra, để tăng trưởng kinh tế bền vững, đại diện ADB cũng cho rằng, Việt Nam nên thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bởi trong bối cảnh Việt Nam đang “loay hoay” trong tắc nghẽn thị trường vốn như hiện nay thì “đầu tư công đóng vai trò then chốt”, nếu giải ngân được đầu tư công thì sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm gánh nặng vốn vào hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương: “Báo cáo Kinh tế của OECD: Việt Nam 2023” là một tài liệu quan trọng, với những đánh giá khoa học, khách quan và có tính xây dựng, báo cáo sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng đối với nhiều bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu của Việt Nam trong quá trình tham mưu xây dựng chính sách trong thời gian tới. |
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm