Thị trường hàng hóa
FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam
Trong năm ngoái, các khu công nghiệp tại Việt Nam đều đạt tỷ lệ lấp đầy cao “ấn tượng”, lên đến 80% tại miền Bắc và 92% tại miền Nam (tính đến hết quý 3/2023). Nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung đất công nghiệp chỉ tăng 6% tại miền Bắc và tăng 1% trong miền Nam trong năm 2023; trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực sản xuất chế tạo lại tăng vọt khi giải ngân vốn FDI vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục.
Điều này đã khiến diện tích đất thương phẩm có thể cho thuê gần như “cạn kiệt” tại nhiều địa phương, kéo theo đó là giá cho thuê đất khu công nghiệp liên tục tăng cao. Giá cho thuê đất khu công nghiệp tại các thị trường cấp 1 đạt 131 USD/m2/kỳ hạn thuê ở miền Bắc và 189 USD/m2/kỳ hạn thuê ở miền Nam trong quý 3/2023.
Trong năm nay, nhu cầu về đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng ổn định 5,1% so với năm 2023.
Đáng chú ý, một số tổ chức tài chính hiện nhận định ảnh hưởng của việc áp thuế tối thiểu toàn cầu đối với việc thu hút FDI vào Việt Nam ở “mức thấp”. Điều này thể hiện ở việc vốn FDI thực hiện của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023 vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Đồng thời, các quốc gia cạnh tranh FDI với Việt Nam như Thái Lan, Singapore, Indonesia,... dự kiến cũng tham gia thuế này; trong khi đó, lợi thế thu hút FDI của Việt Nam không chỉ dựa vào ưu đãi thuế mà còn ở ưu thế về vị trí địa lý, nhân công và các loại chi phí khác.
Fitch Rating cũng đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia Việt Nam lên BB+, triển vọng “Ổn định”. Điều này sẽ tác động tích cực đến việc ra quyết định đầu tư vào Việt Nam của nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại giao tích cực của Chính phủ trong thời gian qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại và thu hút FDI. Điển hình, hơn 100 biên bản ghi nhớ hợp tác được các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trao đổi tại chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 6/2023. Đến tháng 9/2023, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mở ra cơ hội phát triển loạt ngành công nghiệp giá trị cao, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn.
Xem thêm: Đón dòng vốn FDI kỷ lục, bất động sản công nghiệp “lên ngôi” trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Diện tích đất khu công nghiệp sẵn sàng cho thuê năm nay sẽ tăng 36%
Về phía nguồn cung đất công nghiệp, theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán FPT Securities (FPTS), “cơn khát” nguồn cung đất công nghiệp sẽ được giải quyết trong năm nay khi Chính phủ nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp, thúc đẩy loạt khu công nghiệp mới đi vào hoạt động, giúp nguồn cung đất thương phẩm sẵn sàng cho thuê tăng lên.
FPTS cho biết, cả nước hiện đang có khoảng 34 khu công nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện pháp lý và 7 khu công nghiệp đang được đẩy nhanh giải phóng mặt bằng tại các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Thái Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu,...
Hiện FPTS dự báo nguồn cung đất khu công nghiệp trên cả nước sẽ đạt 142.000 ha trong năm nay, tăng 12.000 ha tương đương 9% so với năm 2023. Đây được xem là mức tăng cao so với mức tăng bình quân giai đoạn 2021 - 2023. Điều này sẽ giúp diện tích đất sẵn sàng cho thuê tăng thêm tới 36% so với năm 2023.
Trong giai đoạn trước, nguồn cung tăng trưởng chậm chủ yếu đến từ việc giá đất tăng cao, các khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng khiến chi phí đền bù tăng, cùng với đó là vướng mắc pháp lý trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu dự kiến tăng trưởng ổn định sẽ tạo áp lực lên đà tăng giá vừa qua. Theo dự báo hiện tại của FPTS, giá thuê đất khu công nghiệp tại các thị trường cấp 1 trong năm nay dự kiến tăng 4% ở miền Bắc và tăng 7% tại miền Nam.
Thị trường cấp 1 ở miền Bắc gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, và Hưng Yên; ở miền Nam gồm: TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, và Long An.
Mức tăng giá trên thấp hơn mức tăng trung bình từ năm 2019 đến nay với thị trường cấp 1 miền Bắc tăng 7%/năm, thị trường cấp 1 miền Nam tăng 12%/năm.
Đáng chú ý, các chuyên gia phân tích tại FPTS nhận định: “Chúng tôi cho rằng xu hướng gia tăng đất khu công nghiệp sẽ diễn ra trong dài hạn, phù hợp với Quyết định Phân bổ chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025.”
Theo Quyết định này thì đến năm 2025 tổng diện tích đất khu công nghiệp cả nước sẽ tăng thêm 17,4% so với năm 2023, đạt 152.800 ha. Trong đó, phần lớn diện tích tăng thêm sẽ tập trung ở các thị trường cấp 1, với khu vực miền Bắc tăng thêm 14% và khu vực miền Nam tăng thêm 7% so với năm 2023.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm