Thị trường hàng hóa
Trong ngày giao dịch cuối tuần, thị trường ngoại tệ có nhiều biến động mạnh. Đồng USD giảm sâu trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do.
Cụ thể, “chốt” tuần đầu tiên của tháng 12, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đồng USD được điều chỉnh giảm 400 đồng, tương đương 1,64% so với phiên thứ 5 (1/12) xuống mức 23.930 đồng. Như vậy, ở chiều mua vào, tỷ giá USD/VND đã “thủng” mốc 24.000 đồng. Còn ở chiều bán ra, đồng USD cũng giảm 400 đồng xuống 24.640 đồng.
Trước đó, hồi tháng 10 năm nay, đồng USD bứt phá mạnh và cùng nhau lập đỉnh. Tỷ giá trên thị trường ngân hàng suýt chạm mốc 25.000 đồng/USD, còn tại thị trường tự do, mốc này đã bị chinh phục.
Đà tăng mạnh trong tháng 10 đã bù đắp được nhiều cho đà giảm của tỷ giá ngày 2/12. Vì vậy, so với phiên cuối cùng của năm 2021, tỷ giá USD/VND vẫn tăng rất mạnh, tăng 1.320 đồng, tương đương 5,84%.
Trước đó, trong năm 2021, thị trường ngoại tệ khá ổn định. Tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam so với đồng USD do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 0,1%, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm khoảng 1,6%.
Trong ngày 2/12, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã có tới 7 lần điều chỉnh tỷ giá. Cuối ngày, tỷ giá USD/VND tại BIDV được niêm yết ở mức 23.950 đồng/USD (mua vào) - 24.230 đồng/USD (bán ra), giảm 420 đồng/USD, tương đương 1,72% so với ngày 1/12.
Hệ thống ngân hàng thương mại cũng mạnh tay điều chỉnh giảm đồng USD. Cuối ngày 2/12, tỷ giá USD/VND tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) được giao dịch ở mức 23.950 đồng/USD - 24.240 đồng/USD, giảm 400 đồng/USD; tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giao dịch ở mức 23.980 đồng/USD - 24.330 đồng/USD, giảm 380 đồng/USD; tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) mua bán ở mức: 23.830 đồng/USD - 24.290 đồng/USD, giảm 385 đồng/USD,…
Trên thị trường tự do, tỷ giá có tốc độ giảm chậm hơn khi “chỉ” mất khoảng 150 đồng/USD xuống mức khoảng 24.620 - 24.720 đồng/USD. Tại các cửa hàng khác nhau, giá có thể chênh khoảng 10 đồng/USD.
Giá trị đồng USD trên toàn cầu sụt giảm sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Jerome Powell, xác nhận sắp tới cơ quan này có thể sẽ tăng lãi suất cơ bản chậm lại. Phát biểu này được đưa ra trong ngày 30/11.
Tuy nhiên, tác động của việc “giảm tốc” tăng lãi suất đồng USD được đánh giá chỉ tác động ngắn hạn tới đồng bạc xanh. Trên thực tế, USD còn bị tác động bởi nhiều yếu tố khác. Và xét về lâu dài, đà tăng của USD vẫn được đánh giá cao.
Cuối tháng 11/2022, tạp chí Forbes đã đăng tải một bài phân tích về sức mạnh của đồng USD trong năm 2022. Forbes đưa ra lý giải cho khẳng định “Đồng USD vẫn được coi là tiền tệ trú ẩn an toàn” của một số chuyên gia kinh tế.
Theo Forbes, vai trò của USD trong nền kinh tế toàn cầu là yếu tố chính tạo nên sức mạnh của nó vào năm 2022.
Độ tin cậy của đồng bạc xanh đã khiến nó trở thành đồng tiền dự trữ thống trị toàn cầu kể từ Thế chiến II, có nghĩa là nó được các ngân hàng trung ương trên thế giới sử dụng nhiều nhất cho các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế.
Eric Donovan, người đứng đầu bộ phận ngoại hối thể chế tại StoneX, giải thích: “Lý do chính khiến đồng USD trở nên mạnh mẽ là vì nó vẫn được coi là đồng tiền trú ẩn an toàn và nó sẽ mạnh lên trong thời gian thị trường rơi vào tình trạng sợ hãi”.
Dave Schabes, trợ lý giáo sư giảng dạy tại Trường Chính sách Công Harris của Đại học Chicago, nói thêm rằng cuộc chiến ở Ukraine là một yếu tố góp phần cụ thể.
Ông nói: “Mỹ luôn được coi là nơi trú ẩn an toàn số một trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh bất ổn về chính trị, quân sự. Khi chiến tranh thực sự nổ ra, các nhà đầu tư tìm kiếm những nơi ổn định để bỏ tiền của họ cho đến khi chiến tranh kết thúc”.
Trong khi đó, cuộc chiến của Nga với Ukraine có nguy cơ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế trên khắp châu Âu và kéo dài cuộc khủng hoảng năng lượng của lục địa này cho đến năm 2023 và có thể là năm 2024.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm