Thị trường hàng hóa
Vũ khí của doanh nhân
Với khát vọng làm giàu, doanh nhân tạo ra giá trị cho cộng đồng trên cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa và xã hội. Nhưng thương trường như chiến trường. Doanh nhân cũng cần sử dụng “vũ khí”.
Vũ khí đầu tiên chính là chuyên môn sâu của bản thân. Người giỏi tài chính, người tài dịch vụ, người lại xuất sắc trong đầu tư. Doanh nhân luôn bám sát giá trị cốt lõi của mình để phát triển sự nghiệp.
Vũ khí thứ hai, quan trọng hơn cả vốn, là con người, đội ngũ. Để tuyển dụng tốt cần nắm vững khâu “tuyển” và “dụng”. Tuyển nhân sự giỏi là cần thiết, nhưng điều quan trọng hơn là nhân sự phải phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Người lãnh đạo có thể tuyển những người có năng lực tầm trung, song sở hữu thái độ tích cực và phụng sự, sau đó đào tạo và huấn luyện thêm.
Vũ khí thứ ba là tài chính. Kinh doanh cần vốn, được huy động bằng nhiều nguồn. Nếu ý tưởng kinh doanh tốt thì việc thu xếp tài chính không phải là vấn đề khó khăn.
Doanh nhân là thương hiệu cá nhân. Doanh nghiệp gắn với doanh nhân thành công thì doanh nghiệp sẽ thành công. Không có doanh nghiệp thất bại, chỉ có chủ doanh nghiệp thất bại.
Văn hoá nền tảng của mỗi doanh nhân là tiền đề của văn hóa doanh nghiệp.
Doanh nhân đúng nghĩa là doanh nhân có đức, có tài, nghị lực, biết điều hành doanh nghiệp bằng lý trí mà không chỉ cảm xúc đơn thuần. Đặc biệt, doanh nhân cần hiểu và tận dụng tối đa nguồn lực về con người và tài chính.
Trình độ, văn hóa và nghị lực là căn cốt của doanh nhân. Doanh nhân không có căn cốt thì không có sứ mệnh.
Giá trị cốt lõi của doanh nhân bao hàm nhiều mặt. Trong kinh doanh bất động sản, trục cốt lõi xoay quanh hoạt động tư vấn đầu tư, xây dựng dân dụng, công nghiệp… Trong du lịch, trục cốt lõi xoay quanh hoạt động kinh doanh thực phẩm, khách sạn, dịch vụ chăm sóc…
Nhưng trên tất cả, thấm vào trong máu người kinh doanh là sự thấu hiểu khách hàng. Doanh nhân hiểu rõ nhu cầu khách hàng, hiểu nỗi đau của họ và biết cách tìm ra viên thuốc giảm đau hoặc chữa lành “vết thương lòng” cho khách hàng.
Tương lai kinh doanh
Niềm tin về tương lai kinh doanh vẫn đang được trao cho lĩnh vực bất động sản và đầu tư tài chính. Chứng khoán hoạt động nhộn nhịp trong thời gian gần đây là minh chứng cho điều này. Với bất động sản, việc đầu tư cần tính chất chuyên nghiệp hóa cao. Đặc biệt, bất động sản công nghiệp là lĩnh vực đang nhận được sự quan tâm lớn với tiềm năng sâu rộng.
Để đầu tư bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp cần tạo ra hệ sinh thái chuẩn, tìm hiểu sâu sắc và tận dụng tốt các cơ chế chính sách của nhà nước cùng sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng.
Hệ sinh thái bất động sản công nghiệp gắn liền với các tiện ích đồng bộ (logistics, chỗ ở, khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chữa bệnh…), công nghệ thông minh (smart factory, ứng dụng kho hàng…), tài nguyên, nguồn lực, và cuối cùng là những nguồn vốn dễ dàng tiếp cận.
Bên cạnh tài chính và bất động sản, Uber House là một ngành có tiềm năng lớn nhưng chưa phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam. Việc áp dụng nền tảng công nghệ của Uber House góp phần cung ứng sự thuận lợi, tiện ích nhất cho người sử dụng trong việc tìm kiếm chỗ ở, sân bay và nhiều ứng dụng khác.
Nhìn chung, chúng ta dễ dàng nhận thấy các ngành kinh doanh tiềm năng đều gắn liền với yếu tố công nghệ, và tuân theo xu hướng thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, việc kinh doanh dù theo hướng nào cũng cần đảm bảo nguồn vốn.
Với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quá trình huy động vốn gặp nhiều khó khăn. Lời khuyên cho nhóm doanh nghiệp này là kịp thời tận dụng triệt để chính sách của nhà nước, huy động tối đa từ các cổ đông nhỏ, cố gắng vay vốn từ bạn bè, người thân.
Doanh nghiệp lớn có nhiều cách để huy động vốn hơn, ví dụ như phát hành trái phiếu hoặc huy động trên sàn chứng khoán khi có đủ điều kiện niêm yết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nên tìm các tổ chức tư vấn tài chính uy tín chuyên về kêu gọi vốn để huy động một cách thuận lợi.
Quan trọng nhất, doanh nghiệp cần có ý tưởng và dự án tốt. Ý tưởng có thể sinh ra tiền, nhưng tiền không sinh ra ý tưởng.
Doanh nghiệp thời khủng hoảng
Lời khuyên đầu tiên cho tất cả doanh nghiệp, đó là tìm cách sống sót. Doanh nghiệp sống sót qua dịch mới mong mở rộng đầu tư. Thiết lập “thành cao, hào sâu” là bài học mấu chốt.
Để sinh tồn, doanh nghiệp tìm mọi cách có thể. Đầu tiên là cân nhắc chuyển đổi sang phương thức kinh doanh online, nỗ lực đẩy hàng để thu hồi vốn. Thứ hai là dùng nguồn lực dự trữ để duy trì đội ngũ cốt cán. Thứ ba là chuẩn bị kịch bản cho nền kinh tế cực đoan... Và cuối cùng là không bi quan, không quá lạc quan trong hoàn cảnh biến đổi khó lường.
Trong tiểu thuyết Đêm của một tác giả Nam Phi, một đôi vợ chồng nông dân trẻ cùng nhau gây dựng trang trại. Nước trong khu vực rất khan hiếm, nhưng người chồng lại chỉ trồng lúa mì. Khi người chồng sắp đi lính, hai vợ chồng bàn bạc và quyết định nuôi bò, chăn dê. Quả nhiên, chiến tranh lan rộng, thực phẩm ngày càng khan hiếm, bò dê của trang trại cung cấp cho quân đội mang lại lợi nhuận cao không tưởng. Khi có tiền, trang trại của hai vợ chồng triển khai đầu tư đào giếng để lấy nước trồng lúa mì.
Câu chuyện cho thấy việc chuyển đổi mô hình kinh doanh coi trọng hợp thời. Kinh doanh cần ý tưởng và cái đầu thông thái. Nguồn lực cạn kiệt vẫn cố lao vào là con đường chết.
Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như hàng không, nhà hàng, du lịch… Nhưng cũng có những ngành không thể chết như vật liệu xây dựng, bất động sản, y dược, giáo dục… Cách chuyển đổi nên dựa theo đặc thù của mỗi doanh nghiệp.
Ngày nay, hành vi của người tiêu dùng dần dần thay đổi. Người tiêu dùng thông thái, đặc biệt là người trẻ ngày càng yêu thích mua hàng online, song một phần không nhỏ khách hàng vẫn quen với việc “lê la” hàng quán.
Công nghệ thay đổi từng giờ, nên doanh nghiệp phải chuyển đổi nhanh, tiếp cận bài bản và tuân thủ theo đúng luật pháp. Trước tìm hiểu kỹ quy luật vận hành, sau linh hoạt vận dụng. Hoạt động Marketing cần nhanh chóng cải tiến, ưu tiên sử dụng nhiều video, hình ảnh và nội dung hấp dẫn hơn, đồng thời đưa vào những yếu tố văn hoá đặc sắc.
Với các doanh nhân, được tự do làm chủ là niềm yêu thích lớn nhất trong quá trình kinh doanh.
Doanh nhân được tự định đoạt cuộc đời của mình trên cơ sở tuân thủ đạo lý, đạo đức, pháp luật và hài hòa các mối quan hệ. Cuộc sống của họ vươn tới sự tự do về tài chính, thỏa mãn đam mê khám phá và đi lại không bị gò bó.
Đặc biệt, người doanh nhân tạo ra cuộc sống ấm no và giá trị cho gia đình, và coi đó là niềm hạnh phúc lớn. Cuối cùng, doanh nhân tự hào khi góp phần cống hiến cho đất nước, xã hội bằng tiền thuế, thúc đẩy kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Đó là những điều tuyệt vời khi trở thành một doanh nhân!
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm