Thị trường hàng hóa
Tăng trưởng ấn tượng
Theo ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương), trong những năm qua, các nhóm mặt hàng xuất khẩu thời trang, nội thất và đồ gia dụng Việt Nam đã có đà tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Năm 2022, hai ngành dệt may và da giày ghi nhận đà tăng trưởng xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dệt may đạt 37,5 tỷ USD, tăng 14,3%; da giày đạt 23,9 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sản phẩm gỗ vốn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu ngành nội thất và đồ gia dụng cũng đạt 10,9 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.
“Về tổng quát, nhóm các mặt hàng thời trang, nội thất và đồ gia dụng của Việt Nam hiện vẫn có nhiều lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là về chất lượng sản phẩm, trình độ kỹ thuật, khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về lao động, môi trường, nhất là các ưu đãi thuế quan từ 15 FTA.
Hiện Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về nhóm ngành hàng này. Trong đó, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu lớn thứ 2 về da giày, thứ 3 về dệt may và thứ 5 thế giới về gỗ và sản phẩm từ gỗ”, ông Linh đánh giá.
Những thách thức chưa từng có tiền lệ
Tuy vậy, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, sau thời kỳ phục hồi mạnh mẽ hậu COVID 19, nhóm ngành hàng thời trang và đồ gia dụng của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có trong xuất khẩu ra thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu do tình hình lạm phát, nguy cơ suy thoái kinh tế, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt với nhóm vật dụng không thiết yếu cùng lượng tồn kho khá lớn sau thời kỳ nhập hàng để phòng ngừa đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong 8 tháng đầu năm 2023, nhóm hàng thời trang bao gồm dệt may và da giày, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm chứng kiến đà sụt giảm tương đối mạnh.
Thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của dệt may và da giày Việt Nam là Mỹ, kim ngạch xuất khẩu lần lượt giảm 22,7% và 32% so với cùng kỳ.
Thị trường EU cũng chứng kiến đà giảm tốc xuất khẩu tương tự, khi kim ngạch xuất khẩu da giày giảm 19%, còn dệt may có tín hiệu tích cực hơn khi tăng trưởng 12,3%.
Xuất khẩu ngành hàng gỗ và đồ gỗ sang Mỹ và EU đối mặt với tình trạng thậm chí còn ảm đạm hơn, lần lượt giảm 27% và 40% trong 8 tháng đầu năm 2023.
"Thời gian qua, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhóm ngành thời trang, đồ gia dụng của Việt Nam như Mỹ, EU, các nước Đông Bắc Á hay các nước CPTPP ngày càng đặt ra những tiêu chuẩn mới, đòi hỏi khắt khe hơn từ thị trường, liên quan đến xanh hóa chuỗi sản xuất và cung ứng, các tiêu chí phát triển bền vững, sản xuất tuần hoàn… Điều này đặt ra nhiều những thách thức chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước", ông Linh nhấn mạnh.
Mới đây nhất, thị trường EU đã đưa ra chính sách sử dụng sản phẩm tái chế đối với sản phẩm dệt may và tăng tốc thực thi chiến lược dệt may tuần hoàn và bền vững đề ra từ năm 2022. Chính sách này khiến doanh nghiệp Việt Nam đứng trước sức ép buộc phải chuyển đổi xanh, chuyển đổi số để giữ đơn hàng và thị phần.
Giữa tháng 5 vừa qua, EU cũng đã ban hành đạo luật về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Theo đó, buộc các nhà nhập khẩu vào EU phải báo cáo lượng phát thải carbon trong hàng hóa.
Hay vào cuối tháng 6, với việc EU ban hành Quy định Chống suy thoái rừng (EUDR), các công ty kinh doanh gỗ và các sản phẩm phái sinh tại EU phải chứng minh hàng hóa mà họ bán không liên quan đến hoạt động phá rừng từ sau năm 2021.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ cho rằng, để có thể đáp ứng yêu cầu của thị trường, giúp lấy lại đà tăng trưởng cho các ngành hàng thế mạnh kể trên, việc chuyển đổi xanh, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn là xu hướng phát triển tất yếu. Xu hướng này đang dần hình thành luật chơi mới về thươngmại và đầu tư trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, với đặc thù là ngành hàng đòi hỏi phải liên tục thay đổi mẫu mã, phù hợp với xu thế, thị hiếu thị trường, doanh nghiệp cần luôn chủ động, có chiến lược rõ ràng và cập nhật xu hướng thời trang thường xuyên tại các thị trường xuất khẩu.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm