Thị trường hàng hóa
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho thấy, các chỉ tiêu kết quả kinh doanh của "ông lớn" ngành xăng dầu tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu thuần quý III của Petrolimex đạt 73.695 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ.
Tương tự, giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh gấp gần 2,2 lần, lên tới 70.892 tỷ đồng. Theo đó, doanh nghiệp chỉ còn 2.803 tỷ đồng lãi gộp, nhưng vẫn tăng 37,7% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 5,6% đạt 279 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính cũng tăng 48,6% lên mức 319 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 25% và 31,5% so với cùng kỳ, lên 2.407 tỷ đồng và 196 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận đạt 302 tỷ đồng, tăng rất mạnh, gấp 3,6 lần quý III/2021.
Trong quý III vừa qua, cộng thêm khoản lợi nhuận khác, Petrolimex báo lãi trước thuế 313 tỷ đồng, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2021. Lãi sau thuế đạt 190 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần quý III/2021, trong đó, lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 99 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 30%.
Tổng Công ty dầu Việt Nam (PV OIL) là doanh nghiệp xăng dầu thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và chỉ đứng sau Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trong hệ thống phân phối. Báo cáo doanh thu 9 tháng của PV OIL đạt hơn 79.617 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi của cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế đạt 431,3 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ cần 9 tháng, PV OIL cũng đã cán đích lợi nhuận kế hoạch cả năm. Tính đến hết quý III/2022, tổng số cửa hàng xăng dầu của OIL nâng lên 648 cửa hàng trong toàn hệ thống và hơn 3.000 cửa hàng đại lý.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đồng loạt báo lãi cùng kỳ. Đơn cử như Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PVN), trong 9 tháng năm 2022, Tập đoàn đã nộp ngân sách 90.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch năm 2022 và tăng 45% so với cùng kỳ (vượt kế hoạch năm 2022 trước 6 tháng). Với con số này, PVN cũng đã về đích các chỉ tiêu tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn.
Theo công bố doanh thu 9 tháng đầu năm của Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), 9 tháng năm 2022 doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 126.717 tỷ đồng, tăng 90% và lợi nhuận sau thuế hơn 12.899 tỷ đồng, tăng 223% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2022, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu 91.678 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.295 tỷ đồng thì chỉ sau 9 tháng, BSR đã có lãi gấp 10 lần kế hoạch cả năm.
Giới phân tích nhận định, thời gian qua, ngành xăng dầu hoạt động với lợi nhuận định mức tính theo doanh thu. Khi giá xăng dầu bình quân đã tăng cao hơn 30% thì đẩy doanh thu đi lên và lợi nhuận cũng tăng tương ứng. Vì vậy, việc các doanh nghiệp xăng dầu, khí… về đích lợi nhuận cả năm không gây bất ngờ.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho hay, lượng tồn kho tại một số nhà cung cấp chính như Petrolimex, PV OIL… vẫn được duy trì ở mức an toàn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Ngoài ra, sự phục hồi gần đây của giá dầu thế giới cũng có thể giúp cho các công ty này về hưởng lợi về hàng tồn kho.
Để đảm bảo không đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu tại thị trường trong nước, tại những thời điểm khó khăn về nguồn hàng thời gian qua, Petrolimex, PV OIL… đã phải tăng cường nhập khẩu, cung ứng vượt kế hoạch để bù đắp cho thiếu hụt từ các cửa hàng bán lẻ ngoài hệ thống.
Tuy nhiên, lĩnh vực xăng dầu hiện xuất hiện tình trạng "đứt gãy cục bộ nguồn cung" ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung đông dân cư như Hà Nội, TP HCM. Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý theo quy định và sẽ nghiên cứu những hình phạt bổ sung để áp dụng vào thời điểm phù hợp.
Đồng thời, Bộ cũng đã đồng thuận với phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam của Bộ Tài chính. Do đó, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/11 sắp tới những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm