Thị trường hàng hóa
Mặc dù đã kiểm soát được dịch bệnh được hơn 1 năm, thế nhưng, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với rất nhiều thách thức, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại trong quý I/2023.
Vì vậy, Chính phủ cùng các Bộ, ngành đã ban hành hàng loạt chính sách mới nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Một trong số đó là việc Chính phủ ban hành Nghị định 12, đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.
Đối tượng áp dụng việc gia hạn thuế là các doanh nghiệp, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất ở nhiều ngành kinh tế khác nhau.
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2023, trung bình mỗi tháng cả nước có hơn 20.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên trong quý I, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.
Điều này cho thấy rằng, cộng đồng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều thách thức để tồn tại trên thương trường. Do đó, chính sách gia hạn thuế có thể giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn dự trữ để duy trì, cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, như đại dịch COVID-19, thị trường biến động, chuỗi cung ứng đứt gãy do chiến tranh, chiến tranh thương mại… Tuy nhiên, vẫn còn một lý do khác đến từ chính nội tại của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân.
“Vấn đề” bất ổn từ trong nội tại các doanh nghiệp tư nhân đó ít nhiều đã được bộc lộ qua những con số cụ thể biểu hiện rõ tính bấp bênh của các doanh nghiệp tư nhân về bất động sản, chứng khoán trong thời gian qua.
“Những lĩnh vực chiếm dụng nhiều vốn của nền kinh tế nhất, song lại cũng là tác nhân chính gây ra những bất ổn cho nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp “ông lớn” lâm vào khó khăn, khủng hoảng, thậm chí bên bờ sụp đổ, nhiều đại gia ngậm ngùi tra tay vào còng”, ông Bình nói.
Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 là 6,5%, thế nhưng quý I/2023 chỉ tăng khiêm tốn ở mức 3,32%, con số này là rất khiêm tốn so với khả năng và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.
Trong trung và dài hạn, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 7% trong giai đoạn 2021 - 2030, ông Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam rất cần phát triển nhóm doanh nghiệp tư nhân bền vững và hiệu quả. Trong đó phải cải cách thể chế mạnh mẽ và có những giải pháp hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này kịp thời để họ vực dậy.
“Vài năm gần đây, Việt Nam tích cực cải cách nhiều vấn đề, đơn cử như việc cải cách thủ tục hành chính chẳng hạn. Những điều này đều có tác động đáng kể, nhưng cần phải nỗ lực hơn nữa để nhóm doanh nghiệp tư nhân tăng trưởng”, ông Cường nói.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm