Thị trường hàng hóa
Hội Môi giới bất động sản (VARS) vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý I/2023. Theo VARS, ba tháng đầu năm, thị trường tiếp tục trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp vẫn lao đao, đối mặt với khủng hoảng và phá sản. Môi giới bất động sản bỏ nghề, thất nghiệp tiếp tục tăng.
Tuy vậy, thị trường cũng ghi nhận dấu hiệu tích cực về nguồn cung và giao dịch tại một số dự án chung cư có vị trí thuận lợi, được đầu tư bởi các chủ đầu tư uy tín và có chất lượng bàn giao tốt. Quan điểm “tự cứu lấy mình”, “cùng nhau vượt khó” đang dần thay thế cho tâm lý “chờ giải cứu” của các doanh nghiệp. Toàn bộ thị trường “nín thở”, không hoàn toàn “án binh bất động” nhưng luôn trong trạng thái “nghe ngóng”, “chờ đợi” từng động thái từ phía Chính phủ. Doanh nghiệp cũng không còn tâm trạng “hoang mang”, “thấp thỏm” như năm 2022.
“Quý I, các doanh nghiệp bất động sản, môi giới bất động sản dường như đã “bình thản” hơn, “xác định sẵn tinh thần” để đối mặt với tình hình thị trường không mấy khả quan. Một số nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có động thái quan tâm hơn với thị trường. Đặc biệt là tại các vùng có tiềm năng tăng trưởng tốt như đầu tư hạ tầng, đầu tư khu kinh tế”, báo cáo của VARS nêu.
Vẫn theo báo cáo, quý I, thanh khoản thị trường bất động sản về đáy xuyên suốt những tháng qua khiến nhiều chủ đầu tư liên tục dời lịch mở bán sản phẩm mới theo kế hoạch. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân cũng chờ đợi cơ hội đầu tư vững chắc, tỷ lệ khách hàng giữ tiền chờ thời điểm phù hợp để xuống tiền ước chiếm đến 88,7%.
Nguồn cung của thị trường bất động sản trong quý đầu năm khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Tỷ lệ hấp thụ chỉ đạt 11%, giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, căn hộ chung cư chiếm trên 70% lượng giao dịch thành công. Giá đất nền ở những khu vực từng xảy ra sốt đất tiếp tục được điều chỉnh về giá trị phù hợp, tương xứng với giá trị đầu tư vào nội tại sản phẩm và hạ tầng khu vực. Nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính giai đoạn 2018 - 2022 buộc phải cắt lỗ từ 10 - 30%, thậm chí lên đến 30 - 50%.
Dự báo thị trường quý II, các chuyên gia của VARS cho rằng Chính phủ có thể sẽ ban hành nhiều văn bản luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho thị trường. Nhóm các dự án đang vướng mắc ở giai đoạn cuối cùng thủ tục đầu tư có thể sẽ rục rịch khởi động trở lại. Các bộ ngành, địa phương cũng tích cực, đồng loạt rà soát khó khăn, vướng mắc và đề xuất phương án tháo gỡ.
Đặc biệt, chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ góp phần thúc đẩy nhóm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, để gói tín dụng này có thể phát huy được hiệu lực, rất cần giải quyết gốc rễ của vấn đề nằm ở pháp lý.
Nhìn chung thị trường địa ốc tuy còn khó khăn nhưng với sự quan tâm, sát sao từ phía Chính phủ, các cơ quan, sở ngành, cộng thêm sự nỗ lực, chủ động vượt khó của các doanh nghiệp bất động sản, thị trường có hi vọng sẽ dần khả quan hơn.
Để thúc đẩy thị trường doanh nghiệp bất động sản phát triển, VARS kiến nghị cơ quan Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh và nhanh hơn việc ban hành các văn bản dưới luật, có tính chất tháo gỡ các điểm nghẽn cho các dự án đầu tư. Giám sát thực hiện, theo dõi thức đẩy thực hiện văn bản đã ban hành được thực thi hiệu quả.
Bên cạnh đó, sớm sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư liên quan đến chuyển nhượng dự án, tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng, quy hoạch nhà ở xã hội. Để tháo gỡ cho các dự án đầu tư trên cả nước được tiếp tục triển khai. Khơi thông mọi hoạt động phát triển kinh tế, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Xây dựng quy trình phê duyệt thủ tục chuẩn bị đầu tư cũng như giám sát quá trình thực thi của các địa phương. Đồng thời có chế tài xử lý các địa phương không thực thi hết trách nhiệm. Trường hợp các doanh nghiệp không thể tiếp tục triển khai dự án, phải bán dự án thì cần có những chính sách hỗ trợ, nới lỏng điều kiện để tạo cơ hội cho doanh nghiệp được “giải phóng”.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm