Thị trường hàng hóa
Mục tiêu lãi năm nay tăng 72%
Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (mã cổ phiếu GEG - sàn HoSE) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 25/6 tới đây.
Theo đó, Điện Gia Lai lập kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu doanh thu đạt 3.120 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 38% và 72% so với mức thực hiện của năm 2023.
Năm nay, Điện Gia Lai dự kiến doanh thu mảng điện gió sẽ đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 57% so với năm ngoái với giả định công ty có thể ghi nhận đủ doanh thu từ Dự án điện gió Tân Phú Đông 1 (vận hành từ quý 3/2023) và giá điện 2024 được tính theo mức giá trần gần 1.816 đồng/kWh.
Trong khi đó, doanh thu từ mảng thủy điện năm 2024 dự kiến đạt 364 tỷ đồng, giảm 2% so với kết quả năm 2023 và doanh thu từ mảng điện mặt trời tăng 6%, đạt 856 tỷ đồng.
Điện Gia Lai hiện được xem là doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Trong mảng điện mặt trời, công ty này đang có 06 dự án với tổng công suất đạt hơn 342 MWp, và 34 hệ thống điện mặt trời áp mái với tổng công suất 32 MWp.
Công ty còn trực tiếp và gián tiếp sở hữu 12 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tiềm năng với tổng công suất 81MW, chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (93%) và Bắc Trung Bộ (7%); và 05 nhà máy điện gió với tổng công suất 260 MW.
Ban lãnh đạo Điện Gia Lai đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm nay vẫn đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi. Điển hình như việc không có nguồn điện lớn nào vào vận hành, lượng khí cấp cho phát điện từ nguồn khí hiện hữu đang suy giảm, nguồn khí mới vào chậm tiến độ, nhu cầu than cho phát điện tăng cao làm lượng than nhập khẩu tăng cao.
Dựa trên tình hình thị trường hiện tại, Điện Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai chiến lược 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 tầm nhìn đến 2030; đồng thời khai thác tối ưu chuỗi giá trị ngành năng lượng.
Đẩy mạnh M&A mảng thuỷ điện, hoàn thiện dự án sản xuất hydrogen
Trong năm nay, Điện Gia Lai dự kiến tiếp tục nghiên cứu phát triển các loại hình năng lượng tái tạo như điện rác, hydrogen, điện gió ven bờ kết hợp hydrogen, điện gió ngoài khơi, thủy điện tích năng,...
Đối với mảng thủy điện, Điện Gia Lai sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý tại Nhà máy thủy điện Ea Tih tại tỉnh Đắk Lắk. Dự án này có công suất 8,6 MW, đã được Điện Gia Lai mua lại từ tháng 8/2023.
Ban lãnh đạo Điện Gia Lai cũng cho biết, giai đoạn sắp tới, các dự án thủy điện vừa và nhỏ của Điện Gia Lai đang dần đến hết thời hạn hợp đồng mua bán điện (PPA) 20 năm theo hợp đồng mẫu áp dụng biểu giá chi phí tránh được.
Ngày 12/4/2024, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT về việc Quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, áp dụng cho các nhà máy thủy điện nhỏ sau 20 năm hết PPA, điều này sẽ một thách thức rất lớn cho công ty để đảm bảo doanh thu cũng như lợi nhuận cho cổ đông trong giai đoạn sau này, theo Điện Gia Lai.
Xem thêm: "La Nina quay trở lại, doanh nghiệp thuỷ điện nào sẽ hưởng lợi nhất?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Với mục tiêu tránh biến động lớn trong kết quả kinh doanh sắp tới, Điện Gia Lai nhận định mục tiêu trọng tâm là cần phải tìm kiếm phát triển những dự án năng lượng mới cũng như M&A dự án năng lượng hiệu quả để triển khai đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành đảm bảo nguồn thu cho trong tương lai.
Đối với mảng điện mặt trời, Điện Gia Lai sẽ tiếp tục thi công hoàn thiện và đưa dự án Điện mặt trời Đức Huệ 2 tại tỉnh Long An vào vận hành thương mại.
Đối với mảng điện gió, công ty dự kiến hoàn tất công tác đàm phán giá điện tại Nhà máy điện gió Tân Phú Đông điện gió Tân Phú Đông 1 tại tỉnh Tiền Giang và trụ A7 Nhà máy điện gió VPL 1 tại tỉnh Bến Tre; hoàn thiện pháp lý cho dự án năng lượng điện gió kết hợp sản xuất hydrogen tại tỉnh Tiền Giang; tiếp tục tìm kiếm đối tác nhằm phát triển và triển khai các dự án điện gió nhập khẩu từ Lào và điện mặt trời áp mái trong thời gian tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm