Thị trường hàng hóa
Chia sẻ tại buổi họp báo diễn ra ngày 21/7, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay: Từ nay đến cuối năm, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu 20-21 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Tuy vậy, có thể nhìn thấy nhiều khó khăn thử thách sức chịu đựng của doanh nghiệp.
Thách thức lớn nhất là sức mua giảm. Khảo sát, đánh giá của các nhà bán hàng, tổ chức quốc tế cho thấy, tại thị trường Mỹ, lạm phát cao khiến người dân hạn chế chi tiêu đáng kể trong đó may mặc là mặt hàng được cắt giảm chi tiêu nhiều nhất.
Ở trong nước chi phí đầu vào của doanh nghiệp vẫn đang rất cao. Doanh nghiệp xác định rõ ràng có thể lợi nhuận không như mong muốn, cố gắng duy trì sản xuất và hoà vốn để ổn định lao động và giữ chân khách hàng. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp thực hiện mọi giải pháp để “thắt hầu bao”, hạn chế tăng chi phí tác động đến hiệu quả của doanh nghiệp.
Với vấn đề lao động, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho hay: Ngành dệt may đang thiếu cục bộ tại một số thành phố lớn, có mức độ cạnh tranh lao động cao. Đặc biệt với những doanh nghiệp sản xuất sợi, dệt nhuộm đang sản xuất 3 ca và ở một số công đoạn trong các doanh nghiệp ngành may. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, số lượng lao động trở lại làm việc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Về tác động của quyết định dừng cơ cấu nợ sau hạn từ ngày 1/7 của Ngân hàng Nhà nước, ông Vũ Đức Giang cho rằng: Cực kỳ khó khăn cho doanh nghiệp. Đơn hàng thường được sản xuất trong thời gian từ 3-4 tháng, thậm chí 6 tháng. Nếu dừng cơ cấu nợ đến hạn sẽ làm mất cân đối dòng tiền của doanh nghiệp.
Mặt khác, chi phí đầu vào của doanh nghiệp hiện đang ở mức cao, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm gây giảm cạnh tranh ra thị trường thế giới. “Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách hỗ trợ và kéo dài đến hết năm 2022, trợ sức doanh nghiệp, từ đó ổn định việc làm cho người lao động”, ông Giang đề xuất.
Riêng với giá xăng tăng, dù không ảnh hưởng nhiều như các ngành khác bởi chỉ chiếm từ 7-8% chi phí nhưng vẫn tác động đến hiệu quả và giá thành sản phẩm của doanh nghiệp dệt may.
Với những thách thức được nhìn nhận rõ ràng, ngành dệt may Việt Nam theo lời ông Vũ Đức Giang vẫn kỳ vọng đạt mục tiêu 42-43 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Để đạt được mục tiêu này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo tới doanh nghiệp trong những giải pháp trước mắt và giải pháp có tính chiến lược.
Trong đó, doanh nghiệp thích ứng nhanh với sự thay đổi kết cấu thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Đưa ra mục tiêu thay đổi công nghệ sản xuất để đáp ứng đòi hỏi của đối tác, nhất là với công nghệ sản xuất sản phẩm tái chế. Thích ứng nhanh với xu thế tự động hoá và quản trị số.
Tiếp tục thực hiện Chương trình xanh hoá và phát triển bền vững của ngành dệt may để phát triển bền vững, nhất là khi Việt Nam đã có những cam kết cụ thể tại COP 26. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư vào môi trường của nhà máy, môi trường làm việc cho người lao động và đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời. “Những doanh nghiệp đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn về sản xuất xanh của Mỹ là “giấy thông hành” vào các thị trường và giúp nhận được nhiều đơn hàng hơn”, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp dệt may cũng cần được Nhà nước đồng hành hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn về chính sách thuế, nới chính sách về tài chính để vượt qua khó khăn. Và, không chỉ hướng tới mục tiêu phát triển xuất khẩu mà còn phục vụ thị trường trong nước, có tổng cầu 2 tỷ USD năm 2022.
Năm 2022 là thời điểm các doanh nghiệp dệt may từng bước phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so cùng kỳ; vải đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8%; xơ sợi đạt 2,76 tỷ USD, tăng 4,4%; phụ liệu dệt may đạt 734 triệu USD, tăng 22,3%; vải không dệt đạt 452 triệu USD, tăng 25,5%.
Nửa đầu năm 2022, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với 40% tỷ trọng, tiếp đến là EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu dệt may ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Kim ngạch xuất siêu đạt 8,86 tỷ USD, tăng 32% so cùng kỳ năm 2021. Đây có thể xem là một nỗ lực tuyệt vời của các doanh nghiệp dệt may trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm, kết cấu một số mặt hàng xuất khẩu có thay đổi với sự lên ngôi của dòng hàng cao cấp như veston và sự sụt giảm của hàng giá rẻ như mặt hàng dệt kim, đồ nỉ mặc ở nhà và một số dòng sản phẩm bảo hộ lao động.
Các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung thích ứng với thay đổi cơ cấu thị trường, trong đó quan tâm nhiều hơn tới các thị trường mới như Trung đông, châu Phi. Đồng thời, đầu tư cho công nghệ sản xuất đáp ứng các yêu cầu của đối tác.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm