Thị trường hàng hóa
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra tại Cần Thơ sáng ngày 04/8/2023. Hội nghị nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 610/CĐ-TTg ngày 03/7/2023 về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đồng chủ trì Hội nghị.
Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung và hoạt động thương mại gạo nói riêng.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023.
Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,…
Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.
Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: i) lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); ii) hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực; iii) tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen);…
Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023.
Tại Hội nghị, các đại biểu là đại diện các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo đã trao đổi, rà soát, đánh giá yếu tố bất lợi khí hậu El Nino tác động đến tình hình sản xuất, sản lượng thóc, gạo hàng hóa phục vụ nhu cầu nội địa đến cuối năm cũng như nhận định nhu cầu thị trường, tín hiệu về động thái chính sách, thông tin từ các thị trường xuất nhập khẩu gạo lớn trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt và các thương nhân xuất khẩu gạo báo cáo tình hình sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo đặc biệt trong vụ Hè Thu đồng thời chia sẻ nhận định dự báo tình hình thương mại gạo thế giới trong thời gian tới; những cơ hội và thách thức đặt ra cho thương nhân trong những tháng cuối năm 2023;
Đề xuất những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương nhân thu mua thóc, gạo, tổ chức sản xuất, chủ động phương án đàm phán giao dịch nâng cao hiệu quả xuất khẩu; để từ đó các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan nắm bắt và trao đổi, giải đáp hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Để tận dụng cơ hội thị trường, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh các nhiệm vụ chính cần các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội và thương nhân tích cực phối hợp với Bộ Công Thương cùng triển khai để đảm bảo:
Tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân; duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định; cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước và tạo thuận lợi giao thương, bảo đảm xuất khẩu có hiệu quả.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm