Thị trường hàng hóa
Nhìn nhận ấy của Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 càng trở nên có ý nghĩa khi Tổng cục Thống kê vừa công bố, GDP quý I ước tính chỉ tăng 3,32%.
1. Thông tin tại cuộc Họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 ngày 29/3, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê (TCTK) cho biết, GDP quý 1/2023 chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91%.
Đáng chú ý, tại khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Báo cáo của TCTK cho thấy, tính chung quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt hơn 2,699 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19….
Trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn như lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; sự phục hồi chậm và suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn;… kinh tế - xã hội quý I/2023 của nước ta, như khẳng định của bà Nguyễn Thị Hương, đạt được kết quả tích cực.
Trong đó, khu vực dịch vụ trong quý 1/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh. Theo nhận định của TCTK, điều này khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.
2. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 đang dự báo nhiều khó khăn của năm 2023, nhất là khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 là thách thức lớn”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định.
Nhận định của Tổng cục trưởng TCTK là hoàn toàn có cơ sở. Từ cuối năm ngoái, khi còn chưa xuất hiện những bất ổn từ một số ngân hàng ở Mỹ, châu Âu… nhiều chuyên gia đã cho rằng tăng trưởng 6,5% sẽ là mục tiêu thách thức. “Mục tiêu tăng trưởng 6,5% trên nền tăng trưởng kinh tế cao 8% của năm 2022 đúng là một con số khá cao. Thêm vào đó, bối cảnh kinh tế thế giới đang có những nguy cơ rất xấu, như là lạm phát rất cao, suy thoái tương đối rõ ở nhiều nơi. Đây là áp lực lớn cho Việt Nam”, Đại biểu Quốc hội - GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận. TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng “mục tiêu đặt ra cho 2023 không phải cao mà là rất cao”.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng “có cơ sở và điều kiện để đặt ra những mục tiêu như vậy”. “Điều kiện đầu tiên là chúng ta ổn định chính trị. Chúng ta có một thị trường nội địa lớn, quy mô dân số lên tới 100 triệu người sẽ là lối thoát, là bệ đỡ cho doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều cơ hội và thế mạnh từ các hiệp định thương mại để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đã chuẩn bị nguồn lực đủ lớn để tăng đầu tư công năm 2023. Hơn nữa, doanh nghiệp Việt Nam tuy nhỏ và yếu nhưng có sức sống mạnh mẽ, linh hoạt. Các chính sách hỗ trợ đang được các cơ quan của Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và ban hành, sẽ tiếp sức để doanh nghiệp trong nước phục hồi và tăng sức chống chịu trong một năm nhiều khó khăn” – TS. Nguyễn Đức Kiên phân tích.
Cũng chung góc nhìn, GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng: "Mục tiêu 6,5% được đặt ra là có cơ sở. Cả nhiệm kỳ này chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 – 7%, với sự ổn định vĩ mô, với đà tăng trưởng đang tốt như hiện nay thì không có lý gì chúng ta không phấn đấu để đạt mức nêu trên. Bên cạnh đó, có nhiều cơ sở để thấy nền kinh tế Việt Nam có thể trụ vững trong khó khăn. Suốt thời kỳ đại dịch vừa qua, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ổn định khi nhiều nước tăng trưởng âm.
Chúng ta có thị trường nội địa quy mô tới 100 triệu dân, thuộc vào hàng thị trường lớn trên thế giới, đồng thời Việt Nam cũng thâm nhập các thị trường quốc tế khá tốt. Chuỗi cung ứng đứt gãy ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong cả thời kỳ đại dịch luôn cao. Đặc điểm của Việt Nam là nền kinh tế sản xuất nên cũng đỡ bị ảnh hưởng nhiều hơn so với khu vực dịch vụ khi kinh tế khó khăn. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam lại chủ yếu là hàng tiêu dùng, không phải tư liệu sản xuất nên khi suy thoái vẫn tiêu thụ được, dù mức tiêu thụ có giảm”.
3. Như vậy, rõ ràng mục tiêu có cao, có thách thức nhưng không phải là không thể. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cũng như có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Bên cạnh đó cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu... Đặc biệt việc quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao...
Dưới góc nhìn của chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), năm nay phải đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, không thể để nền kinh tế thiếu vốn trong khi đầu tư công lại không giải ngân được. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Cụ thể là cần đi sâu sát hơn vào những vướng mắc của doanh nghiệp, giảm chi phí cho các nhà đầu tư… Ngoài ra, theo nguyên Viện trưởng CIEM, cần tạo ra niềm tin trên thị trường, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự để các nhà đầu tư và các bên tin tưởng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ không bị ảnh hưởng.
Con số tăng trưởng 3,32% của GDP quý 1/2023 là hồi chuông để thức tỉnh hết thảy chúng ta, rằng còn quá nhiều việc phải làm để biến mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023 thành hiện thực. Nói như TS. Nguyễn Đình Kiên: Những thách thức đó tác động mạnh hay nhẹ lại phụ thuộc vào cách chúng ta xử lý như thế nào. Nếu quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt, thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% đặt ra là rất cao nhưng cũng nằm trong tầm tay.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm