Thị trường hàng hóa
Trung Đông và Châu Phi là khu vực khá rộng lớn với nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Môi trường kinh doanh của Trung Đông – Châu Phi ngày càng được cải thiện nhờ xu thế tăng cường liên kết khu vực nên dư địa mở rộng hợp tác thương mại giữa Việt Nam với khu vực này là rất lớn.
Tại phiên tư vấn, đại diện Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) sẽ trao đổi về nguồn cung các sản phẩm hồ tiêu của Việt Nam, thị trường xuất khẩu mục tiêu và một số vấn đề xúc tiến xuất khẩu sản phẩm hồ tiêu Việt Nam ra thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, các chuyên gia thị trường sẽ mang đến những thông tin cập nhật về tình hình thị trường gia vị tại một số nước Trung Đông – Châu Phi (UAE, Ả-rập Xê-út, Israel, Iran, Nam Phi); vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện nhập khẩu sản phẩm gia vị và một số điều cần biết khác khi kinh doanh các sản phẩm gia vị với các thị trường này.
Hiện nay, khu vực Trung Đông, Châu Phi đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa nói chung và mặt hàng gia vị nói riêng sang thị trường mới còn nhiều tiềm năng này là một hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trung Đông – Châu Phi là khu vực có vị trí địa lý chiến lược quan trọng, tiếp giáp với cả 3 châu lục là Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, là địa bàn trung chuyển hàng hóa đi các khu vực xung quanh, đặc biệt Dubai hiện trở thành thị trường trung chuyển hàng hóa lớn trên thế giới.
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào khu vực Trung Đông, Châu Phi mang tính bổ trợ, phù hợp cho Việt Nam và Châu Phi, Trung Đông hợp tác mở rộng các cơ hội kinh doanh thương mại. Khu vực này có quy mô lớn, nhiều nước đang tiến hành đô thị hóa nhanh, doanh nghiệp có thể liên kết hợp tác mở rộng xuất khẩu, đầu tư.
Bên cạnh đó, khu vực thị trường này còn tương đối dễ tính nên các doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa hàng hóa sang.
Thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu xăng dầu, hạt điều, nhựa… từ Trung Đông, Châu Phi và xuất khẩu sang khu vực trên gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, máy móc thiết bị, điện tử, dệt may, giày dép.
Tại Châu Phi, có những quốc gia nằm sâu trong lục địa chịu ảnh hưởng của khí hậu sa mạc ở Tây và Trung Phi rất khó khăn về trồng trọt, sản xuất lương thực thực phẩm nên nhu cầu nhập khẩu rất lớn. Vì thế, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản, thực phẩm, rau củ quả vào Châu Phi rất lớn.
Mặc dù tiềm năng còn rất lớn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ những rủi ro phải đối mặt khi xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Châu Phi, đó là, rủi ro về thanh toán như nhiều đối tác trả chậm, không có khả năng thanh toán, rủi ro về tỷ giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng gặp rủi ro trong tranh chấp về hợp đồng mua bán như khối lượng, trọng lượng hàng hóa, thời gian giao hàng, tranh chấp liên quan đến chủ thể của hợp đồng do người ký hợp đồng không có năng lực nhập khẩu.
Để hạn chế những rủi ro, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác trước khi giao dịch như: Lịch sử giao dịch, uy tín, quy mô và khả năng thanh toán, ngân hàng bảo lãnh, ngân hàng phát hành L/C…
Đồng thời, điều tra thương nhân, cảnh giác với các thương vụ quá hấp dẫn, tìm hiểu thông tin qua các Thương vụ Việt Nam tại địa bàn Trung Đông – Châu Phi, Phòng thương mại công nghiệp nước sở tại.
Bên cạnh đó, trong quá trình giao dịch, doanh nghiệp cần lưu ý, lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp như: Phương thức chuyển tiền hay phương thức nhờ thu, L/C... Cùng với đó, doanh nghiệp cũng nên nhờ sự tư vấn của các chuyên gia pháp lý và thanh toán quốc tế.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Châu Phi, Trung Đông, việc tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu gia vị sang thị trường Trung Đông và Châu Phi là cơ hội tốt để doanh nghiệp cập nhật thông tin thị trường, phát triển xuất khẩu hiệu quả và phòng tránh, giảm thiểu những rủi ro khi xuất khẩu sang các thị trường này.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm