Thị trường hàng hóa
Phú Thọ có rất nhiều đặc sản như bánh tai, trám om cá, rêu đá, rau sắn, cọ ỏm, cơm nắm lá cọ… nhưng để chọn ra món ăn đặc trưng nhất, nghe tiếng biết danh, ngửi hương biết vị, không thể không nhắc đến thịt chua. Điều này giống như nói đến phở bò nghĩ tới Nam Định, nhắc bún bò gọi tên Huế, hỏi cơm gà liên tưởng đến Hội An, nói bánh tráng ai cũng nhớ về Đà Nẵng. Thịt chua chính là tinh hoa ẩm thực nức tiếng nhất miền đất Tổ.
Ghé thăm những bản Mường tại vùng đất Phú Thọ, du khách được chứng kiến sức sống văn hóa và câu chuyện thanh âm từ thuở “đẻ đất, đẻ nước” được truyền đời. Người Mường nơi đây vẫn còn nhà sàn, vẫn còn những làn điệu dân ca, những câu hát đối, trang phục áo pắn khăn mu và cả món thịt chua đặc biệt không biết có tự bao giờ.
Thời xưa, khi chưa ra đời tủ lạnh, chưa có cách bảo quản thịt bằng nhiệt độ âm, người dân tộc Mường mới nghĩ ra biện pháp cho thịt vào ống nứa để muối chua, sau một hai tháng vẫn ăn được ngon lành. Đôi khi, thịt chua còn được tẩm thêm thính để bảo quản lâu hơn.
Một múi thịt chua to, gác lên bếp có thể để được rất lâu, nhưng ăn ngon nhất trong khoảng 2 đến 3 tháng. Càng để lâu, vị thịt càng thêm chua, nhưng chua thanh chua ngọt, không phải chua gắt. Miếng thịt trong vắt nhìn đã thấy ngon.
Người Mường xưa chỉ cần ướp thịt với muối, thêm tí gia vị núi rừng là món thịt chua đã đủ hấp dẫn. Nhưng bây giờ sơn hào hải vị vô số, món thịt chua cũng không còn gói gọn trong gian bếp gia đình mà đã được đưa vào nhà hàng chiêu đãi du khách nên cách chế biến món thịt chua cũng đã có những điều chỉnh để làm hài lòng thực khách ngày càng có những yêu cầu cao hơn. Vẫn là bí quyết làm thịt chua của người Mường xưa được truyền lại nhưng công đoạn chế biến được thêm thắt gia giảm có phần cầu kỳ tinh tế hơn.
Để thịt chua có hương vị chuẩn thì thịt phải tươi ngon, gia vị chọn lọc kỹ càng, thính phải thơm, dụng cụ phải đảm bảo sạch sẽ và quy trình chế biến hoàn toàn khép kín. Thịt lợn mán sau khi mổ được thui vàng đều, chọn ra những miếng thịt ngon nhất cân đối thành phần mỡ và thịt, sau đó thái lát mỏng và trộn ướp với thính ngô, thính đỗ, thêm thắt các loại gia vị. Công đoạn cuối cùng là lót lá ổi, lá sung và đậy chặt thịt, đóng vào hộp hoặc các ống nứa.
Đến miền đất Tổ, người sành ăn ăn thịt chua như một nghi thức văn hóa ẩm thực: từ từ mở ống nứa, mùi thịt chua nhẹ nhàng lan tỏa kích thích vị giác, từng miếng thịt màu hồng nhẹ phủ lớp thính mỏng nhìn là đã muốn ăn. Ăn không chỉ là ăn mà còn là trải nghiệm, không chỉ là thưởng thức một món ngon lạ miệng mà hơn thế, du khách đang chiêm nghiệm một kiệt tác của ẩm thực dân gian. Vị béo ngậy của thịt mỡ, dẻo mềm của thịt nạc, sần sật của bì, chua chua của thính, chát bùi của lá, chấm cùng tương ớt cay ngọt là sự kết hợp hoàn hảo đủ để gây thương nhớ cho dù là thực khách khó tính nhất.
Món ngon nhớ lâu, nhiều du khách sau khi được thưởng thức thịt chua đã mua rất nhiều thứ quà quê tinh tế này về làm quà biếu cho gia đình, bạn bè và cũng để dành ăn dần cho đỡ nhớ hương vị mộc mạc của vùng đất Tổ.
Đến các bản dân tộc Mường, hầu như người phụ nữ nào cũng đều biết cách làm một món thịt chua để ăn trong gia đình và chiêu đãi khách đến chơi nhà. Nhưng để món thịt chua chở thành sản phẩm thương mại vươn xa khỏi các bản mường, đến khắp các nẻo đường đất nước, len vào bữa cơm gia đình thì không thể không nhắc đến Thu Hoa. Người phụ nữ nhỏ nhắn xinh xắn ấy là Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Trường Foods, chính là người đã ấp ủ ý tưởng: “Tạo dây chuyền sản xuất hàng loạt, mang đặc sản thịt chua đến mọi miền Tổ quốc”. Và ý tưởng đó đã và đang được hiện thực hóa.
Khách hàng, đối tác yêu mến gọi Hoa bằng cái tên không thể trìu mến hơn: “Hoa thịt chua” hay “ Nữ hoàng thịt chua”. Những nhãn hiệu thân thương cùng cái tên Trường Foods đã tạo tiếng vang trong nhiều năm gần đây. Với 4.000 nhà phân phối, đại lý trải rộng 3 miền cùng sản lượng hàng năm đạt mốc 2,5 triệu sản phẩm, nữ giám đốc trẻ Thu Hoa đã trở thành một trong những doanh nhân thành công nhất trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của Phú Thọ.
“May mắn của mình là sở hữu một vị giác khá tốt. Ngày xưa mẹ dạy mình làm thịt chua, chẳng cân đo đong đếm gì, toàn ước lượng bằng những cái bốc tay, thịt cũng bốc mà gia vị cũng bốc. Sẽ là dễ với những bà nội trợ quen tay, gia giảm theo khẩu vị gia đình nhưng người mới làm chỉ cần sơ sẩy chút là món thịt chua có thể sẽ không còn giữ được hương vị, nhiều muối thì mẻ vị mà ít muối thì thịt nhanh hỏng. Từ kinh nghiệm được truyền lại từ mẹ, mình đã phải nghiền ngẫm rất nhiều, cải tiến công thức và cách chế biến để ra được một quy trình chuẩn sản xuất sản lượng lớn. Nói thì chỉ tóm gọn trong một câu, nhưng để có được thành quả hôm nay là cả quá trình dài nghiên cứu với không biết bao lần đổ bỏ sản phẩm khi chưa được như ý”, CEO Trường Foods chia sẻ.
Để biến món thịt chua trở thành mặt hàng thương mại, ngoài tình yêu và tâm huyết còn đòi hỏi sự tỉ mỉ đến mức khắt khe từ nguyên liệu, công thức đến quy trình sản xuất. Công nghệ chế biến hiện đại cho phép tính toán chính xác về nhiệt độ, thời gian nên công ty của Thu Hoa có thể cho ra thị trường vài tấn thịt chua một ngày mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất.
Cô khẳng định, có 03 yếu tố giúp Trường Foods tạo nên sản phẩm thịt chua được đón nhận rộng rãi: chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu, phải đảm bảo giữ được hương vị ngon truyền thống; áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất được số lượng lớn dẫn đến giá cả cạnh tranh; hình thức mẫu mã bắt mắt tạo sức hút với khách hàng.
Xuất phát từ tình yêu với món ăn truyền thống quê nhà và tôn chỉ trong kinh doanh đặt Nhân - Tâm – Tín làm trọng tâm, Thu Hoa luôn bị thôi thúc bởi khát vọng mang đặc sản Phú Thọ quê hương lan tỏa đến nhiều địa phương trên cả nước.
Ngon thôi chưa đủ. Món ăn phải tinh tế, hấp dẫn từ hình thức đến nội dung, xứng đáng để xây dựng thành thương hiệu đặc trưng cho miền đất Tổ. Khi đã thành sản phẩm, món ăn phải đảm bảo chinh phục được những thực khách sành điệu, được thẩm định bởi các chuyên gia ẩm thực từ đó lan tỏa đến với cộng động, đến với số đông dân chúng và hướng đến bữa ăn của mọi gia đình.
“Mình muốn dành toàn bộ thời gian, nguồn lực, tâm huyết để tập trung làm tốt sản phẩm của mình, thiết kế tâm điểm vị giác để phù hợp với từng vùng miền”, Thu Hoa khẳng định quyết tâm đưa thịt chua phân phối đến 63 tỉnh thành tổ quốc.
Để có được những sản phẩm nhận được sự khen ngợi của thực khách bốn phương, đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp của Thu Hoa phải tìm hiểu kỹ càng về văn hóa ẩm thực của từng nơi. Thông qua điều tra, khảo sát, công ty sẽ biết được dân ở từng vùng miền thích gì, kiêng gì, cân đối khẩu vị ra sao… từ đó có những điều chỉnh cho từng dòng sản phẩm.
Khi người miền Nam lần đầu nếm thử đặc sản thịt chua đất Tổ, nhiều người có chung cảm nhận: lần đầu ăn có vị “là lạ, ăn bột bột” nhưng sau lần thứ hai, lần thứ ba thì gần như ai cũng “nghiện” món này. CEO Trường Foods chia sẻ: “Mình muốn làm sao để người dân các vùng miền ăn lần đầu đã thấy thích, thấy ngon, bằng cách gia giảm gia vị cho từng dòng sản phẩm. Công ty đang điều chỉnh để cho ra nhiều dòng sản phẩm thịt chua với hương vị phù hợp với khẩu vị từng vùng miền. Chỉ có không ngừng điều chỉnh, đổi mới, sáng tạo thì sản phẩm mới khiến thực khách hài lòng”.
Theo đuổi khát vọng và luôn sẵn sàng đương đầu với những điều mới, Thu Hoa cùng món ăn đặc sản thịt chua của Trường Foods đã và đang không ngừng đóng góp cho hành trình lan tỏa giá trị của nền ẩm thực nước nhà.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm